Mới đây, sau lời bào chữa của ông Đinh La Thăng tại tòa, không ít ý kiến tỏ vẻ cảm thông, chia sẻ với bị cáo trước những hành vi phạm tội đang được xét xử.
Có ý kiến thể hiện rõ quan điểm bênh vực cho bị cáo trước những vi phạm có liên quan, đồng thời đòi hỏi thiếu tính pháp lý về việc cần xem lại thể chế quản lý nhà nước bởi nếu nhìn ở góc độ này, không ít người vừa là tội nhân, lại vừa là nạn nhân…
Thậm chí có người còn lập fanpage kêu gọi người dân ủng hộ ông Đinh La Thăng trắng án…
Nhưng có một điều ai ai cũng thấy rõ chính là việc, ông Thăng đã thừa nhận trước tòa về những hành vi vi phạm có liên quan trong chỉ đạo, điều hành gây thất thoát kinh tế nghiêm trọng thời điểm ông còn làm lãnh đạo.
Nên nhớ rằng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị thuộc sở hữu của Nhà nước. Hay nói cách khác, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ tại đơn vị này.
Một khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được nợ thì ngoài chuyện vốn nhà nước bị thất thoát, gánh nặng sẽ dồn lên Chính phủ, nhân dân.
Vậy, cần phải nhìn nhận vấn đề công — tội của ông Đinh La Thăng như thế nào trước lăng kính pháp luật?
"Sự việc xảy ra đối với ông Đinh La Thăng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là điều rất đáng tiếc, bởi ông ấy từng được đánh giá là người có năng lực.
Nhưng trong quá trình ông Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, có thể ông ấy chưa suy nghĩ kỹ vấn đề, hoặc do tham mưu chưa chuẩn, dẫn tới dẫn tới quyết định sai lầm gây thất thoát tài sản nhà nước…
Với tư cách lãnh đạo, ông Thăng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên để xảy ra những vi phạm dẫn tới những thất thoát về kinh tế đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận".
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, một số ý kiến lên tiếng bênh vực ông Thăng chỉ là quan điểm, suy nghĩ cảm tính, cá nhân.
"Người nào có công thì thưởng, nhưng có tội phải bị xử lý nghiêm minh, chứ không phải lấy cái công để lấp đi cái tội. Tôi cho rằng việc lấy công để lấp tội cho ông Thăng là không đúng", Đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đưa ra lập luận để củng cố quan điểm của mình:
"Trong vụ việc này, không có chuyện thích thì xử nặng hay xử nhẹ cho ông Thăng được.
Cái "lý" (lý lẽ) chỉ là chuyện của thôn, xóm, lệ làng ở địa phương. Còn khi anh đã vi phạm pháp luật thì phải xử theo luật chứ làm gì có chuyện xử theo lý lẽ, cảm tính. Nếu nói lý lẽ trong vụ việc này là không thể chấp nhận được.
Không thể nào lấy cái tình, cái lý để lấn át luật pháp được.
Mặt khác, trong Bộ Luật hình sự khi đề cập tới việc xử lý vi phạm của đối tượng đã chỉ rõ những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Trên cơ sở đó người ta sẽ đưa ra mức hình phạt tương xứng với công, tội của ông Đinh La Thăng.
Cá nhân tôi cho rằng, ông Thăng phải chịu trách nhiệm với những hành vi vi phạm để xảy ra thất thoát lớn tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hậu quả của sự việc trên là rất nghiêm trọng.
Dư luận cả nước rất trông chờ vào việc cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm của ông Thăng và những đối tượng có liên quan", Đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Trước đó, trước những vi phạm liên quan tới ông Đinh La Thăng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước — nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nói rằng, đây là chuyện rất buồn.
"Nếu như những tổ chức, cá nhân được giao quyền kiểm soát hoạt động của Tập đoàn Dầu khí thời gian đó thực sự nghiêm túc thì đâu có chuyện lọt những vi phạm của ông Thăng cho đến tận bây giờ.
Đấy là chuyện rất buồn, và tôi nghĩ Đảng cần phải truy xét những cá nhân, tổ chức ấy", Tướng Thước nhận định.
Từ vụ việc ông Đinh La Thăng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhận định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nếu rơi vào những người giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống nhà nước thì sẽ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Vì thế, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị phải đi liền với việc chống quan liêu.
Nguồn: Báo Giáo Dục VN