Kể từ đó, những người Cộng sản Việt Nam đôi khi gọi ngày 18 tháng Giêng là Ngày Chiến thắng Ngoại giao.
Trong bài bình luận của mình, nhà quan sát phân tích của Sputnik Piotr Tsvetov lưu ý đến hoạt động giao lưu hữu nghị cấp cao được tổ chức ở Hà Nội, mặc dù lần này không phải là kỷ niệm năm chẵn.
Theo Đài phát thanh "Tiếng nói Việt Nam", ngày 20 tháng 1, tại thủ đô Hà Nội đã tổ chức buổi lễ trọng thể với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, các nhà lãnh đạo khác của các Bộ và cơ quan Việt Nam. Tham dự hoạt động này về phía Trung Quốc đã có Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa Trần Trúc, ông đã ở lại Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Nghị viện châu Á — Thái Bình Dương vừa kết thúc ở Hà Nội. Điều đó đặc biệt đáng chú ý bởi vì sự hiện diện của một chính trị gia cấp cao như vậy tại một hoạt động tầm thường (đây không phải là kỷ niệm năm chẵn) cho thấy rõ rằng, Trung Quốc muốn nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt đến việc duy trì mối quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của trao đổi cấp cao Việt Nam — Trung Quốc trong năm 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển mối quan hệ song phương. Xin nhắc lại rằng, trong số các chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhất có chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1 năm 2017 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm 2017. Tôi đồng ý với cách đánh giá của nhà ngoại giao Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng khẳng định, mối quan hệ Trung-Việt đang bước vào giai đoạn mới ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Theo tôi, có thể nói rằng, giai đoạn phát triển mới có liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Tập Cận Bình, bởi vì dưới thời ông Tập Cận Bình chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam trở nên thân thiện hơn. Rõ ràng, trong tình huống địa chính trị phức tạp hiện nay, Bắc Kinh cần đến một người bạn như Việt Nam.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, tình hữu nghị vững chắc của Việt Nam và Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa đế quốc và trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Ngày nay, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia láng giềng cũng là rất quan trọng. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nhận xét rất đúng đắn:
"Với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ hai nước sẽ không ngừng được củng cố và có những bước phát triển mới, góp phần thiết thực vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới".
Nếu mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mang tính chất hữu nghị, tin cậy và láng giềng thân thiện như đã có 68 năm trước đây, thì sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người dân hai quốc gia này, mà còn cho toàn thể nhân loại.