Phạm Công Danh ‘thân bại danh liệt’ vì mua ngân hàng của bà Hứa Thị Phấn?

Theo các luật sư, việc nhận chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh đã tiêu tan sự nghiệp gây dựng trong 50 năm và bản thân bị cầm tù với bản án 30 năm.
Sputnik

Kết thúc phần luận tội của đại diện VKS đối với các bị cáo trong đại án Phạm Công Danh, chiều ngày 22/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.

Sụp đổ cả "đế chế" vì khát vọng có ngân hàng của riêng mình

Trình bày quan điểm của mình, luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Bùi Phương Giang cho rằng: đến thời điểm này các luật sư muốn đặt ra câu hỏi, vì lý do gì Phạm Công Danh phải đi vay nhiều tiền đến thế, để làm gì?

Nếu không làm rõ thấu đáo, toàn diện, nhiều tổ chức cá nhân sẽ hiểu lầm thành Phạm Công Danh lợi dụng để đi vay các tổ chức, cá nhân nhằm tư lợi cho mình, như thế sẽ oan ức cho bị cáo.

Hơn 1.660 tỷ đồng của Phạm Công Danh đã đi đâu?

Theo các luật sư, sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh mong muốn thành lập Ngân hàng Xây dựng để hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng nhưng không được phép. Qua môi giới và kết nối của Hà Văn Thắm, bị cáo Danh đã nhận chuyển nhượng Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) của bà Hứa Thị Phấn và từ đây dẫn tới một chuỗi các hành vi.

Theo luật sư Hoài, mục đích ban đầu của bị cáo không phải là mua Ngân hàng Đại Tín mà là mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp (bà Hứa Thị Phấn được coi là đại diện cho "nhóm Phú Mỹ" gồm 30 công ty). Khi thị trường bất động sản tốt lên, bị cáo hy vọng sẽ bán được các bất động sản này. Tuy nhiên, đây là sai lầm của Phạm Công Danh vì thực tế số tài sản nói trên không chuyển nhượng được vì 30 doanh nghiệp không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho ông Danh, trong khi ông Danh đã thanh toán 3.658 tỷ đồng vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín.

Vì vậy, theo quan điểm của 2 luật sư, nguyên nhân dẫn tới vụ án VNCB thực ra lại xuất phát từ các dấu hiệu bị coi là vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn và một số cá nhân có trách nhiệm điều hành tại Ngân hàng Đại Tín.

Theo luật sư Hoài, Phạm Công Danh không chiếm đoạt tiền của VNCB mà chủ yếu sử dụng để chi chăm sóc khách hàng nhằm bảo đảm cho việc tái cấu trúc, tăng khả năng thanh khoản và tăng vốn điều lệ của VNCB.

Bởi, thực tế hoạt động của một số Ngân hàng TMCP những năm vừa qua phản ánh thực trạng cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút tiền gửi thông qua chính sách lãi suất vượt trần, được gọi tên là "chi chăm sóc khách hàng". Trong vụ án VNCB giai đoạn 1, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Phan Minh Tùng… đã trình bày rõ về áp lực liên quan đến việc tìm kiếm nguồn tiền chi chăm sóc khách hàng để duy trì và bảo đảm khả năng thanh khoản của VNCB.

Để có thể duy trì khả năng thanh khoản của VNCB, bị cáo Danh phải tìm nguồn thanh toán các khoản chi phí chăm sóc khách hàng rất lớn để huy động thị trường. Riêng bị cáo Danh, Phan Thành Mai và đại diện CB tại vụ án giai đoạn 1 đã có chứng từ chứng minh đã chi lãi suất ngoài lên đến 2.760 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm giai đoạn 1.

Luật sư tố NHNN mua lại VNCB là vội vàng

Luật sư Hoài cũng cho rằng, NHNN quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng khi báo cáo tài chính của ngân hàng chưa được công khai là tiến hành một cách vội vàng, trong khi vụ án hình sự đã được khởi tố, các cổ đông của VNCB chưa kịp xây dựng phương án xử lý và tăng vốn điều lệ cho ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến các cổ đông không có cơ hội để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đều cho rằng, "triệt tiêu" khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB, không xem xét đối trừ cho Phạm Công Danh trong giai đoạn 2 là không thỏa đáng. Bởi số tiền này chắc chắn ở dòng tiền VNCB trước đây và CBBank hiện tại. Liên quan số tiền này, CBBank cho rằng đã hòa chung, sau khi ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng nên không còn để trả cho các bị cáo.

Nguồn: vietnamnet.vn

Thảo luận