Sáng 26/1, nhóm luật sư bào chữa bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) đã đưa ra các lập luận chứng minh bị cáo Thanh không quyết định việc chuyển nhượng cổ phần, không nhận tiền 14 tỷ đồng.
Theo luật sư Hùng, trong bản án hình sự phúc thẩm tháng 3/2017 xác định hợp đồng chuyển nhượng của PVP Land với Công ty Minh Ngân là vô hiệu. Số tiền 100 tỷ đồng Công ty Minh Ngân đã thanh toán phải hoàn trả lại. Hệ quả của quyết định này là các khoản tiền đã chiếm đoạt không phải tiền nhà nước, xác định là tiền tư nhân.
Phân tích khoản tiền 14 tỷ đồng, luật sư cho rằng, xuyên suốt trong hồ sơ và thẩm vấn tại tòa, duy nhất bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó tổng giám Công ty Vietsan — một trong 5 cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương) điều khiển hướng đi dòng tiền.
"Bị cáo Hương khai Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế đầu tư PVP Land — đã chết) gọi điện nói Nguyễn Ngọc Sinh nhờ chuyển bị cáo Thanh 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Sinh phủ nhận lời khai trên.
Theo luật sư, lời khai của bị cáo Thắng có sự mâu thuẫn.
"Rất nhiều lời khai trước đây bị cáo Thắng khai giao tiền trong 2 thùng giấy giao lên văn phòng bị cáo Thanh. Sau đó, thắng thay đổi lời khai cho tiền vào 2 thùng carton vào valy kéo và đưa cho lái xe bị cáo chuyển cho lái xe bị cáo Thanh.
Một điều vô lý là khối lượng tiền lớn và nặng, khoảng 80kg, bỗng nhiên Thắng lại nhớ ra đưa vào valy, ngẫu nhiên, 2 lái xe cũng thừa nhận chuyển và nhận valy một cách trùng khớp. Khi trả lại tiền, bị cáo Thắng nói rằng hoàn trả nguyên đai nguyên kiện.
Luật sư Hùng cũng cho rằng, việc thực nghiệm điều tra tại tòa rất cần thiết vì khối lượng tiền rất lớn không thể xếp vào thùng carton và valy.
"Thời gian xét xử hoàn toàn còn, điều kiện tiến hành thực nghiệm không quá phức tạp, không mất nhiều thời gian. Đây là chứng cứ chứng minh không có việc chuyển tiền cho bị cáo Thanh", luật sư đề nghị.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu quan điểm cho rằng, theo quy chế điều lệ của PVC và việc PVC chỉ nắm giữ 28% cổ phần tại PVPLand, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền chi phối HĐQT của PVP Land trong việc thoái vốn.
"Ngày 6/4/2010, có cuộc họp các cổ đông có mặt Đặng Sỹ Hùng, Nguyễn Thị Kim Thoa, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy… Những người này đề nghị Lê Hòa Bình chi 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên ngày 12/4/2010, bị cáo Thanh ký nghị quyết đồng ý cho PVPLand thoái vốn. Liệu những người mua có lợi dụng uy tín của bị cáo Thanh để làm tiền hay không", luật sư đặt vấn đề.
Các luật sư cho rằng, quá trình chuyển nhượng cổ phần không thể hiện vai trò của bị cáo Thanh và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh không phạm tội Tham ô tài sản.
Luật sư: "Viện kiểm sát đã suy đoán có tội"
"Với bản luận tội của VKSND, bản thân tôi thấy hoang mang về khoa học pháp lý trong đấu tranh tội phạm, khái niệm đồng phạm. Các khái niệm pháp luật bị đảo lộn…",luật sư nói.
Luật sư Thiệp phân tích, chủ trương cho PVP Land thoái vốn khỏi Công ty Xuyên Thái Bình Dương có từ năm 2010. Sai phạm phát sinh từ phần thực hiện thoái vốn như nâng giá, hạ giá, song không có tài liệu nào thể hiện bị cáo Thắng biết quy trình, quy định, thảo thuận giá cả, thủ tục.
"Về tâm lý tội phạm thì chỉ nhận những gì không chối được. Nếu thực hiện sai phạm phải tìm cách che giấu. Thử hỏi, nếu các bị cáo tạo ra chênh giá, tức là sai phạm, có thể công khai cho người ngoài cuộc như Thắng biết không? Bị cáo Thắng là em trai của ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVN — PV), thì nguy hiểm đến đâu khi đơn vị thoái vốn là thành viên của PVN?", luật sư Thiệp đặt câu hỏi.
"Với cách đặt vấn đề như vậy không khác việc suy đoán đau bụng uống nhân sâm", luật sư Thiệp nói.
Luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo Thắng không có dấu hiệu đồng phạm tham ô tài sản, mà có dấu hiệu của tội Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ để hưởng lợi.
Nguồn: ĐTCK