Họ đã phải đương đầu với hơn nửa triệu quân Mỹ và đội quân với 1 triệu người của chính quyền Sài Gòn. Đối phương đã có lợi thế về mặt quân số, hơn nữa đã sở hữu máy bay và pháo binh hạng nặng. Các chính trị gia Mỹ ngay lập tức tuyên bố cuộc tổng tấn công bị thất bại. Đây cũng là cách đánh giá của trung tướng Phillip Davidson, tác giả cuốn sách "Việt Nam chiến sử 1946-1975" (Vietnam at war The History 1946-1975) đã được xuất bản trong năm 1988. Trong những năm 1968-1969, ông Davidson là Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Hai mươi năm sau, ông tuyên bố với vẻ hoang mang rằng, ở Việt Nam Hoa Kỳ đã thắng tất cả các trận đánh nhưng đã thua cuộc chiến.
Tuy nhiên, liệu có thể nói rằng Hoa Kỳ đã giành phần thắng trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968? Nhà sử học Nga, giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg, hoàn toàn không đồng ý với ý kiến đó. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Kolotov nói:
Cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 làm rung chuyển bộ máy quân sự của Mỹ, giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn khi đó được xem như một tảng đá nguyên khối không thể bị phá vỡ. Đòn tấn công là mạnh đến mức tảng đá nguyên khối khét tiếng đã bị nứt, và sau một vài năm đã tan rã hoàn toàn. Cuộc tổng tấn công năm 1968 đã chứng minh rằng, nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự chia cắt đất nước, dù phải trả bất cứ giá nào nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu để giành được sự thống nhất, tự do và độc lập của Tổ quốc. Quy mô của cuộc tổng tấn công đã làm rung chuyển bộ máy quân sự Mỹ và chính quyền Hoa Kỳ.
Cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân đã kéo dài 8 tháng. Sau đây là những kết quả của chiến dịch này. Chỉ riêng trong tháng đầu tiên, trong đội quân Mỹ và quân đội Sài Gòn có 45.000 người thiệt mạng và bị thương. Chưa đầy một tháng sau khi bắt đầu cuộc tổng tiến công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã tuyên bố từ chức. Một tháng sau, khi làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ trong nước Mỹ, Tổng thống Lyndon Johnson đã từ bỏ ý định tái tranh cử Tổng thống. Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, đã đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc đàm phán, từ chối kế hoạch tăng quân số ở miền Nam thêm 200 nghìn người, và đã rút khỏi Sài Gòn người đề xuất kế hoạch đó — Tướng Westmoreland. Vào tháng Tư năm 1969, tân Tổng thống Mỹ Nixon đã công bố nội dung chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, vào tháng Sáu Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam. Nỗ lực cuối cùng của Mỹ nhằm bắt Việt Nam phải quỳ gối cũng đã thất bại: mùa giáng sinh năm 1972, không quân Mỹ đã ném bom rải thảm xuống các thành phố miền Bắc Việt Nam, trong chiến dịch đó không quân Hoa Kỳ đã mất 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52. Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Hoa Kỳ đã từ chối tiếp tục cuộc không chiến, và chưa đầy một tháng sau đó Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Và năm 1975 đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nếu không có những trận đánh quyết định của Xuân Mậu Thân 1968 thì không thể đạt được Đại thắng ngày 30 tháng Tư, — Giáo sư Kolotov tin chắc như vậy.