Tất nhiên, hầu hết các bài báo này đều nói rằng tàu của Trung Quốc rõ ràng là vượt trội so với Ấn Độ. Theo đề nghị của Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã bình luận về những bài báo này.
Một chi tiết rất thú vị trong chuyện so sánh này mà người ta thường lãng quên, đó là cả hai chiếc tàu sân bay — INS Vikrant của Ấn Độ, và tàu Trung Quốc Dự án 001A có liên quan trực tiếp đến cùng một dự án của công ty Nga với tên gọi PKB Neva (Cục thiết kế Neva). Cục thiết kế này được thành lập năm 1931, là trung tâm chính thiết kế phát triển tàu chiến lớn trên mặt nước ở Liên Xô và nước Nga ngày nay.
Cục thiết kế Neva tham gia vào việc thiết kế hàng không mẫu hạm Liên Xô lớn dự án 1145. Chính Cục thiết kế Neva đã phát triển thiết kế tàu sân bay duy nhất của Nga dự án 1143.5 "Đô đốc Kuznetsov", và tàu sân bay Trung Quốc đầu tiên dự án 11436 mà Bắc kinh đã mua vào cuối những năm 90 ở Ukraina với mức độ hoàn thiện 67% về thân tàu và cơ chế hoạt động. Ngoài chiếc tàu chưa hoàn chỉnh, vào đầu những năm 90, trong thời kỳ hậu Xô viết, Trung Quốc đã có thể mua được một số lượng đáng kể các tài liệu kỹ thuật về những con tàu này.
Sản phẩm đầu tiên hoàn toàn được xây dựng ở Trung Quốc, tàu sân bay dự án 001A là sự phát triển của 1143.6 với một số cải tiến và thay đổi liên quan chủ yếu đến trang bị vũ khí và thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, nó được cải thiện bố trí nội thất, sửa chữa các sai sót cơ bản trong dự án Liên Xô, điều đó cho phép gia tăng số lượng máy bay.
Cục thiết kế Neva chịu trách nhiệm về công việc thiết kế thiết bị kỹ thuật hàng không của tàu INS Vikrant, có nghĩa là tất cả những cơ sở thiết bị và cơ sở vật chất trên tàu liên quan đến bảo trì và vận hành nhóm máy bay chiến đấu. Các yếu tố khác của con tàu được phát triển và chế tạo với sự tham gia của các công ty phương Tây (Ý) và Ấn Độ. Tuy nhiên, chính công việc của Cục Thiết kế Neva có ảnh hưởng quyết định đến vẻ ngoài của con tàu.
Như vậy, Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành của hai cường quốc hải quân mới, trao cho họ một số lượng đáng kể công nghệ then chốt cần thiết để xây dựng lực lượng hải quân. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích chính trị dài hạn của Nga, vì nó góp phần vào việc phát triển một trật tự thế giới đa cực.
Nếu nói về những lợi ích của những con tàu, thì so với hàng không mẫu hạm Trung Quốc, INS Vikrant sẽ được xây dựng với số lượng lớn các thiết bị Nga và phương Tây. Tất nhiên, điều này cho thấy khả năng của ngành công nghiệp Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Mặt khác, tàu Ấn Độ có thể sử dụng các công nghệ được kiểm tra kỹ lưỡng từ các nhà cung cấp lớn trên toàn cầu. Do đó, một số đặc tính thực tế của nó có thể cao hơn sản phẩm tương tự của Trung Quốc.
Tàu Ấn Độ nhỏ hơn nhiều so với tàu của Trung Quốc. Cùng lúc đó, điều quan trọng phải tính đến là Hải quân Ấn Độ đang chuẩn bị đóng vai trò chủ yếu ở Ấn Độ Dương, cách không xa bờ biển của họ, nơi quốc gia này sẽ có một lợi thế đáng kể. Người Trung Quốc thì đang chuẩn bị cho các hoạt động trên khắp thế giới, đã tạo ra một hạm đội có khả năng viễn chinh quan trọng, chỉ đứng sau Mỹ trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, cách tiếp cận của Trung Quốc về xây dựng hạm đội dựa vào khả năng tự lực kết hợp với một số lượng lớn các rủi ro kỹ thuật, nhưng về lâu dài có triển vọng độc lập hơn và tăng lợi ích kinh tế đáng kể. Ấn Độ có xu hướng dần dần chuyển theo theo hướng tương tự, nhưng họ thiếu nhân lực được đào tạo trong ngành công nghiệp và chưa đủ mức độ kỷ luật công nghệ trong Hải quân, dẫn đến các tai nạn đáng tiếc thường xuyên xảy ra.