Ông Phạm Công Danh “hỏi vặn” lại luật sư của ông Trần Quí Thanh vụ khoản tiền 194 tỷ

Luật sư của ông Trần Quí Thanh nói quan hệ giao dịch giữa ông Phạm Công Danh và ông Thanh là quan hệ ngay tình. Ông Danh yêu cầu HĐXX, đại diện VKS làm rõ giao dịch ngay tình thì có chứng cứ gì ngay tình hay không.
Sputnik

Phiên xét xử hôm qua 30/1, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho cha con ông Trần Quí Thanh, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã tranh tụng về các quan điểm của VKS liên quan khoản tiền 194 tỷ đồng được ông Phạm Công Danh khai tại tòa là đã chi ngoài, chi lãi suất vượt trần cho ông Thanh.

"Nút thắt cần mở" trong đại án Phạm Công Danh

Luật sư này cho rằng trong phần đối đáp, đại diện VKS tiếp tục đề nghị không thu hồi khoản tiền được cho là đã chuyển cho ông Thanh. Luật sư hoàn toàn đồng ý với ý kiến này vì không có bất cứ pháp lý, thực tiễn nào để thu hồi bất cứ khoản tiền nào từ ông Thanh trong vụ án.

Tuy nhiên, đại diện VKS có nêu trường hợp HĐXX xác định đó là vật chứng của vụ án thì đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo đó, luật sư nêu ý kiến về việc này. Thứ nhất, luật sư cho rằng không có cơ sở để kết luận bất cứ khoản tiền nào chuyển cho ông Thanh là có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của vụ án. Các ý kiến liên quan cho đến nay đều xuất phát từ những lời khai một chiều, không khách quan, có mâu thuẫn về lợi ích.

Thứ hai, vật chứng là những gì có thật, có giá trị chứng minh hành vi phạm tội và người phạm tội. Vật chứng phải được kê biên, thu giữ và bảo quản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, xử lý vật chứng là xử lý những gì đã kê biên, thu giữ và bảo quản sau khi việc chứng minh hành vi phạm tội và người phạm tội đã hoàn tất. Số tiền này không được kê biên, thu giữ, bảo quản trước đó. Hiện số tiền này không còn tồn tại vì đã được sử dụng các giao dịch hợp pháp khác, bao gồm và không giới hạn việc nộp thuế, trả lương… ông Thanh hiện không còn quản lý số tiền này. Số tiền này không thể coi là vật chứng vì nó không phải là vật có giá trị chứng minh tội phạm mà cơ quan tố tụng đã thu giữ.

Thứ ba, tòa án chỉ có thể buộc thu hồi hoặc buộc phải nộp tiền thu lợi bất chính, tiền do phạm tội mà có. Đó là biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự chứ không phải là xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tiền được cho là đã chuyển cho ông Thanh đều xuất phát từ các giao dịch hợp pháp, ngay tình, không phải tiền do thu lợi bất chính. Đây cũng không phải là tiền do phạm tội  mà có, vì các bị cáo trong vụ án này không bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thứ tư, luật sư cho rằng đã xem, đã nghiên cứu hàng chục vụ án xét xử về hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng, thì không có vụ án nào xác định các khoản tiền đã trả cho các giao dịch ngay tình là vật chứng và thu hồi để khắc phục hậu quả.

Cuối cùng, nếu xác định tiền được cho là đã chuyển cho ông Thanh là vật chứng và thu hồi thì tổng số tiền bị thu hồi có thể lớn hơn cả thiệt hại của vụ án. Khi đó những người có hành vi vi phạm pháp luật không những phải chịu trách nhiệm về hành vi có lỗi của mình, mà còn được hưởng lợi không có căn cứ. Thiệt hại của vụ án sẽ được chuyển cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ngay tình, không có lỗi, không vi phạm pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam "dính líu" gì trong đại án Phạm Công Danh?
Theo đó, luật sư Uyên khẳng định không có khoản tiền nào tiền được cho là đã chuyển cho ông Thanh là vật chứng của vụ án, không thể thu hồi bất cứ khoản tiền nào từ ông Thanh trong vụ án.

Đối đáp lại quan điểm trên, ông Phạm Công Danh cho rằng bà Uyên nói quan hệ giao dịch giữa ông Danh và ông Thanh là quan hệ ngay tình. Ông Danh yêu cầu HĐXX, đại diện VKS làm rõ giao dịch ngay tình thì có chứng cứ gì ngay tình hay không?

Ông Danh cho biết tiền của ông Danh giao cho phía ông Thanh thì có giấy tờ ủy nhiệm chi từ tổ chức của ông Danh, giao cho ông Trần Quí Thanh, có cơ sở rất rõ ràng để khẳng định điều đó. Tiền của ông Danh, người của ông Danh giao trực tiếp cho ông Thanh, bà Bích là những người công nhận đã nhận tiền, có đủ căn cứ, cơ sở, chứng từ.

"Nếu cho là ngay tình thì tiền này là tiền gì, có chứng cứ gì không bởi suốt thời gian dài đây là câu hỏi. Mong HĐXX trả lời, không chỉ cho tôi mà cho người dân, các cơ quan thông tin ngôn luận, các luật sư cũng nói không có chứng cứ gì hết thì không thể phủ nhận đây là sự thật", ông Danh nêu tại tòa.

Phiên xử đại án Phạm Công Danh và Trầm Bê: Gay cấn từ những phút đầu tiên
Thứ hai, ông Danh cũng đồng ý luật sư của bà Hứa Thị Phấn rằng khoản tiền 600 tỷ cũng không ngoài mục đích khắc phục hậu quả, tất cả tiền sai phạm thì phải được thu hồi một cách bình đẳng.

Thứ ba, ông Danh cho rằng tại tòa đã làm rõ một tình tiết, có cơ sở khẳng định rằng 4.500 tỷ tại BCTC, phía Ngân hàng CB (trước đây là VNCB) đã nhầm lẫn khoản tiền 4.500 tỷ vào trong tiền được tăng vốn và đã hạch toán vào đó.

"Theo suy nghĩ của tôi khoản tiền này hoàn toàn là tang chứng vật chứng của vụ án và có cơ sở cho thấy suy nghĩ của tôi là không chủ quan. 4.000 tỷ trong đó là tiền của BIDV, 200 tỷ là tiền của TPBank, còn 300 tỷ tôi không nhớ được hết nhưng đã là tiền của tôi thì cũng phải thu hồi để khắc phục hậu quả", ông Danh cho biết.

Ông Danh cũng nêu, trước khi ông bị khởi tố (26/7/2014), trong BCTC năm 2014, ở bảng cân đối kế toán có ghi rất rõ ngày 31/5/2014, VNCB còn khoảng trên 7.900 tỷ thì không thể nói ông Danh sử dụng hết số tiền đó. Mặc dù có sử dụng đi chăng nữa thì cũng sử dụng cho ngân hàng chứ không sử dụng đồng nào cho cá nhân ông Danh. Ông Danh mong HĐXX xem xét làm rõ.

Nguồn: Bizlive    

Thảo luận