Bức ảnh gây sốc ‘Hành quyết tại Sài Gòn’: Tướng Loan nhắn gì cho vợ chiến sỹ biệt động?

Với mong muốn tìm được hài cốt của chiến sỹ Đại úy Biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp), gia đình đã liên hệ cả với Nguyễn Ngọc Loan, tên sát nhân trong bức ảnh nổi tiếng.
Sputnik

Người cha anh hùng

Buổi chập tối cuối tháng 11, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Dũng Thông, trên đường Bình Long (quận Tân Phú, TP.HCM) để gặp 2 người con của Đại úy Biệt động Sài Gòn Bảy Lớp. Tại đây, những câu chuyện về người cha anh hùng dần được các con của ông Bảy Lớp kể lại, cùng với đó là mong muốn mãnh liệt của những người còn sống.

Chiến sỹ biệt động bị Nguyễn Ngọc Loan bắn giữa phố trong bức ảnh gây sốc thế giới

Nhắc về cha mình, người con thứ 2 tên Nguyễn Ngọc Loan không ngừng rơi nước mắt xen lẫn ánh mắt tự hào. Bà luôn khẳng định: "Chúng tôi tự hào về ba lắm". Rồi bà kể về cha mình qua giọng nấc nghẹn ngào.

Ông Bảy Lớp vốn quê ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Năm 1947 ông tham gia lực lượng Việt Minh hoạt động tại vùng ven Sài Gòn. Năm 1953, ông bị bắt nhưng sau đó vượt ngục thành công. 

Đáng lẽ, Đại úy Bảy Lớp sẽ không hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân. Vì trước đó, ông được cử ra Bắc học tập. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì ông xin về lực lượng Biệt động Sài Gòn, dự định sau khi kết thúc chiến dịch ra tiếp tục đi học.

Hình ảnh người chiến sỹ bị lực lượng Cảnh sát dã chiến Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ.

Nhưng dự định đó không bao giờ thành hiện thực vì phát súng oan nghiệt của tướng Loan. Ông ra đi mà đứa con trai út Nguyễn Dũng Thông vẫn còn trong bụng mẹ, con gái thứ 2 tên Loan vừa lên 2 tuổi.

"Ngày còn sống mẹ tôi kể, lúc chuẩn bị đến Tết, mẹ có đưa chị tôi (bà Nguyễn Thị Hạnh — đã mất) và tôi từ quê lên thăm ba. Nhưng chỉ gặp được một chút, rồi ba giục mẹ đưa chị em tôi về nhà ngoại ở phường Tân Thới (nay thuộc quận Tân Phú) ăn tết", bà Loan kể.

Biệt động Sài Gòn: Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và sức mạnh dân tộc Việt Nam
Là người Sài Gòn gốc nên ông thông thuộc toàn bộ địa hình nơi đấy. Vì vậy, ông đã mong muốn tham gia chiến dịch sinh tử. Tuy nhiên, ông lại không muốn nói với gia đình mà chỉ lặng lẽ làm một mình.

Đó cũng là lần cuối những người thân của Bảy Lớp nhìn thấy ông. Từ đó cho đến năm 1985, khi phái đoàn của Đảng Cộng sản Nhật Bản sang thăm Việt Nam và muốn tìm hiểu về thân nhân của người bị bắn trong bức ảnh "Hành quyết tại Sài Gòn", vợ ông là bà Nguyễn Thị Lớp mới biết chồng mình đã bị bắn chết.

Tiếp lời chị gái, ông Thông nói: "Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm rồi, thậm chí bây giờ chúng tôi cũng không dám giữ những bức ảnh đó, vì mỗi lần nhìn thấy là một lần đau đớn".

Theo ông Thông, từ khi biết cha mình hy sinh, cả nhà ông đã cất công tìm kiếm nơi chôn cất của Đại úy Bảy Lớp khắp nơi, bất cứ nơi nào có chút thông tin gia đình đều tìm đến. Nhưng càng ngày, hy vọng đó càng trở nên mong manh hơn, khi mà những người biết sự việc đều lần lượt mất đi.

Được biết, vợ và con gái đầu của Đại úy Bảy Lớp đều đã qua đời cách đây nhiều năm. Còn 2 chị em bà Loan cũng đều tất bật mưu sinh với cuộc sống bên ngoài. Bà Loan có mở một quán tạp hóa nhỏ trên đường Âu Cơ (phường Phú Trung, quận Tân Phú) để buôn bán, dù công việc bận rộn nhưng trong lòng bà chưa bao giờ thôi trăn trở về di nguyện của mẹ. 

Sự trăn trở của người còn sống

Trận đánh 'kinh điển' của biệt động Sài Gòn
Bà Loan kể trong nước mắt, ngày mẹ và chị gái mất đi đều nắm tay bà căn dặn nhất định phải tìm được hài cốt của cha. "Mẹ nói nhất định phải tìm được ba, chứ mẹ mất mà chưa thấy ba con, mẹ đi không yên tâm", bà Loan chia sẻ.

Thế rồi từ đó, chị em bà bôn ba khắp nơi với hy vọng có chút manh mối về cha mình. Nơi nghi vấn là địa điểm tướng Loan bắn cha mình ở đường 20 cũ (Lý Thái Tổ hiện nay) cũng được ông Thông tìm đến, nhưng những người ngày xưa giờ đa số đều không còn ở lại chốn cũ.

"Nhiều người nói họ có biết sự kiện đó, nhưng khi đó chiến sự ác liệt, ai cũng đóng cửa ở trong nhà chứ đâu có dám ra ngoài. Thế nên không ai biết ba tôi được đưa đi đâu", ông Thông kể.

Tại nhà ông Tư Chu ở Thủ Đức (TP.HCM), Tư lệnh Biệt động Sài Gòn còn sống, cứ vào mùng 6 Tết lại tổ chức một ngày giỗ chung cho các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn đã hy sinh. Lần mò từ manh mối của những người còn sống tham dự ngày giỗ chung ấy, chị em bà Loan cũng chỉ được ông Đinh Văn Hỷ, người lái xe chở đội của ông Bảy Lớp đến Bộ tư lệnh Hải quân kể lại những điều mơ hồ.

Bằng khen của ông Nguyễn Văn Lém được Nhà nước truy tặng.

Theo đó, khi ông Hỷ lái chiếc xe Sim-ca chở đội trưởng đội 3 Biệt động thành Bảy Lớp cùng 3 người nữa đến vị trí tác chiến. Dù địch bất ngờ, nhưng rồi cũng nhanh chóng chống trả quyết liệt. 

Đến 6h mùng 2 Tết, cả đội hy sinh gần hết. Đại úy Bảy Lớp là người hy sinh sau cùng, bị địch bắn chết ngay trước mắt ông Hỷ. Tuy nhiên sau đó, ông Hỷ cũng không biết người ta đã thu gom thi thể những chiến sỹ hy sinh đi đâu. 

Hy vọng còn lại được đặt vào tướng Loan, "đao phủ" đã bắn Bảy Lớp và cũng có thể là người duy nhất biết được những thi thể ấy được đưa đi đâu. Bà Loan kể: "Thật ra ngày mẹ tôi còn sống, mẹ có nhờ một số người, trong đó có cả tác giả bức ảnh (ông Eddie Adams) để liên lạc với ông Loan đang ở Mỹ hỏi thử.

Vì ổng là người làm ra việc đó nên gia đình hy vọng ổng biết, nhưng ông Loan nói ông chỉ bắn xong rồi bỏ đi, chứ ông không biết người ta đưa ba tôi đi đâu".

Thế rồi Nguyễn Ngọc Loan cũng chết vào năm 1998. Những người biết về chiến dịch Mậu Thân năm 1968 cũng không còn nhiều, Đại úy Bảy Lớp được đưa đi đâu sau khi bị tướng Loan bắn vẫn là điều bí ẩn.

Tại Nghĩa trang liệt sỹ ở Thủ Đức (TP.HCM) có một số ngôi mộ của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn. Trong số này có cả mộ của ông Bảy Lớp, nhưng cùng với nhiều ngôi mộ chiến sỹ biệt động thành Sài Gòn khác, đó chỉ là mộ không có hài cốt.

"Nhiều lần nhớ ba quá, chị em tôi lại lên đấy ngồi khóc chán rồi về. Chúng tôi hy vọng, các cơ quan, đoàn thể hay những ai bằng cái tình của người Việt Nam nếu có thông tin gì về ba tôi thì gia đình rất mang ơn. Chúng tôi giờ cũng lớn tuổi cả rồi, chỉ ước mong tìm thấy ba…", bà Loan nói trong nghẹn ngào trước khi kết thúc câu chuyện.

Dù nhân vật trong bức ảnh 'Hành quyết tại Sài Gòn' còn gây tranh cãi, đó có thể là ông Nguyễn Văn Lém, Nguyễn Văn Nà hay một chiến sĩ biệt động nào, thì họ cũng đều là những người anh hùng đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc ngày hôm nay và tổ quốc sẽ đời đời ghi nhớ công ơn các anh.

Nguồn: VTCNews

Thảo luận