Ngày nay, những hình tượng bằng đất sét nung với trang trí rực rỡ được xem là một trong những kỳ quan của nước Nga và là tấm danh thiếp của vùng Kirov.
Các chuyên viên nghệ thuật học khẳng định rằng lịch sử món đồ chơi Dymkovo đã có chiều dài hơn 400 năm. Nghề thủ công này khởi phát ở thị trấn Dymkovo nơi sinh sống của những người thợ xây lò và làm gốm. Tương truyền rằng những con giống đầu tiên nặn bằng đất sét đã là những chiếc còi mang hình ngựa, cừu, dê và vịt. Còi được làm ra cho lễ hội hàng năm "Svistuni" hay "Lễ huýt còi", tiến hành để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong trận chiến năm 1418 giữa dân Vyat và dân Ustyuk. Theo truyền thuyết, do đêm tối không nhận ra nhau, hai nhóm dân binh thân thiện đã lao vào giao tranh. Mỗi năm cứ đến ngày này hai làng đều làm đám giỗ những người thiệt mạng. Dòng thời gian trôi đi, ngày giỗ trận chung chuyển thành lễ hội dân gian. Lễ hội kéo dài vài ngày và tràn đầy tiếng tu huýt của người Vyat gióng lên từ những chiếc còi đất nung đủ màu sắc.
Như vậy là sau chuyển đổi nhiều thế kỷ, nghi thức dân gian không còn giữ ý nghĩa ban đầu của nó. Theo thời gian những chiếc còi đất sét đơn sơ cũng hóa thân thành các tác phẩm nghệ thuật. Một tiểu thư uể oải nhưng duyên dáng che ô, những kỵ sĩ mặt đỏ hồng hào, tay đua ngựa trên lưng con tuấn mã, chú dê điệu nghệ chơi đàn balalaika, và nhiều tò he đất sét khác bây giờ đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Nga mà còn vang danh trên thế giới. Quả thực, hồi đầu thế kỷ 20 nghề thủ công này tưởng chừng như đã biến mất khỏi bản đồ nghệ thuật của đất nước. Việc cứu vãn được nghề nặn đất sét dân gian có thể coi như một phép mầu, — bà Nadezhda Menchikova lãnh đạo ngành thủ công Dymkovo nhận xét trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài "Sputnik".
"Toàn bộ vận mệnh của nghề thủ công này từng nằm trong tay bà Anna Mezrina. Đó là bà cụ duy nhất mà hồi đầu thế kỷ 20 còn biết chế tác đồ chơi Dymkovo. Người phụ nữ thôn quê này thậm chí chẳng có ngôi nhà riêng cho mình. Bà sống trong căn nhà tắm mà một vị phú thương giàu nhất thị trấn đã thương tình cho phép bà nương thân. Mỗi sáng người phụ nữ già nua ra cùng với những con mèo của bà ra khỏi nhà tắm đón ánh mặt trời, bà ngồi xuống cái ghế dài và bắt đầu nặn đất. Người nhận ra vẻ đẹp thầm lặng trong những món đồ đất sét đơn sơ của Anna Mezrina là họa sĩ tương lai Alek Denshin, khi ấy mới 16 tuổi. Và mỗi ngày chàng trai vùng quê đều chèo thuyền vượt sông Vyatka, đến ngồi cạnh xem bà nặn và cẩn thận ghi chép tất cả mọi thứ mà bà cụ kể lại về lịch sử của nghề thủ công và những chủ đề đồ chơi đất sét. Cậu thanh niên cũng tự mình phác thảo các mẫu tượng. Sau một thời gian, phát hành album với những ghi chú chép tay và bản vẽ phác thảo hình đồ chơi đầy màu sắc".
Chỉ nhờ có album tự tạo này mà toàn nước Nga biết đến những đồ chơi độc đáo của Dymkovo. Thế nhưng cũng phải mất gần một trăm năm sau ở Kirov mới xuất hiện các chuyên gia thực sự. Chị Olga Golovina ham mê nghề thủ công chẳng giản đơn này từ năm 1988. Là họa sĩ theo chuyên môn đào tạo, chị đã chú ý đến hình trang trí của những bức tượng đất sét và bắt đầu nghiên cứu. Dần dần chị cũng tự mình nặn đất, và bây giờ Olga Golovina không thể hình dung nổi cuộc sống của mình mà lại thiếu đất sét. Những con giống bằng đất nung do chị tạo ra được bảo quản trong bảo tàng và những bộ sưu tập tư nhân, chẳng riêng ở Nga mà còn hiện diện cả ở Mỹ và Đức. Trước khi nặn, bạn cần phải cảm nhận được tâm tư của đất. Điều đó sẽ quyết định rằng dưới tay bạn có hình thành món đồ chơi sinh động và mang bản sắc riêng hay chăng, — nữ họa sĩ-nghệ nhân Olga Golovina chia sẻ bí quyết nghề nghiệp của mình như vậy.
"Đất sét là thứ có tính tình rất ư đỏng đảnh. Và khi bạn định nặn tượng thì nhất thiết phải thỏa thuận với tảng đất trong tay. Một lần tôi nặn hình nàng tiểu thư. Đến chiều tối xem lại thì thấy pho tượng tự nhiên dang rộng tay. Tôi nhủ thầm, cậu làm gì thế, tôi sẽ phải bẻ tay cậu thôi. Tôi định bụng sáng hôm sau sẽ phá đôi tay này đi, nặn tay mới và dùng keo dán để nối. Thế nhưng ngày hôm sau đến xưởng tôi chợt thấy rằng đôi tay của cô nàng đất nung xếp lại đúng như đã định. Thế là không phải phá chữa gì hết".
Hiện nay, chị Olga Golovina chủ trì khóa học nghề về nghệ thuật điêu khắc bằng đất sét. Hiển nhiên, ai muốn trở thành một chuyên gia am hiểu và bảo tồn nghề thủ công Nga cổ truyền này, thì thoạt tiên cần trải qua kỳ thi nghiêm túc. Trong số những điều kiện tuyển chọn có yêu cầu cảm được đất sét, có kiến thức tốt về màu sắc, và biết vẽ. Nhưng điều chính nhất là phải thuộc phái nữ và sống ở Kirov. Bởi vì, theo truyền thống cổ lưu lại đến ngày nay, tác giả nặn và chạm trổ rồi sơn màu cho các con giống xinh mang hình người, hình những con vật và còi đất nung đồ chơi cho trẻ em, đều là những cô gái sinh trưởng bên bờ dòng sông Vyatka. Phải chăng đó là cách tôn vinh nữ nghệ nhân Anna Mezrina — người giữ hồn đất sét của vùng quê này.