Tải sản tỷ phú Việt bị 'bốc hơi' hàng nghìn tỷ sau 'ngày thứ Hai đen tối'

Hàng loạt tỷ phú Việt đã bị "bốc hơi" hàng chục nghìn tỷ sau ngày thứ hai đen tối hôm qua.
Sputnik

Sáng 6/2, thị trường chứng khoán tiếp tục chìm trong sự hoảng loạn của nhà đầu tư. Sau phiên giao dịch mà VN-Index mất hơn 56 điểm hôm qua (5/2), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ngập trong sắc đỏ trong phiên giao dịch buổi sáng khi cập nhật lúc 9h48, chỉ có tổng cộng 39 mã tăng giá trong khi có tới 420 mã giảm giá, trong đó có tới 195 mã giảm sàn.

Việt Nam sắp có thêm tỷ phú USD thứ 4?

Đáng chú ý, cả 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán chính thức hiện nay (bao gồm HNX và HOSE) đều giảm giá trong phiên sáng nay. Các mã cổ phiếu hầu như trắng bên mua.

Trong đợt bán tháo đầy bất ngờ này, vốn hoá thị trường "bốc hơi" hơn 16 tỷ USD. Bên cạnh các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những tỷ phú đô la cũng chịu cảnh ngộ tương tự.

Tập đoàn  Vingroup  (mã VIC) đã giảm 14% trong 2 ngày qua, bốc hơi gần 8.500 tỷ đồng của tỷ phú số 1 Việt Nam- đại gia Phạm Nhật Vượng. Bên cạnh đó, vợ ông Vượng là bà Phạm Thu Hương cũng tạm mất 1.500 tỷ đồng. Một pháp nhân liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư  Việt Nam (sở hữu 33,37% vốn Vingroup) mất 10.300 tỷ đồng.

Như vậy, tổng tài sản của Chủ tịch Vingroup và cá nhân, pháp nhân liên quan "bốc hơi" 20.300 tỷ đồng trong 2 phiên vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bên liên quan tại cổ phiếu của hãng hàng không Vietjet (mã VJC) cũng mất tới hơn 2.500 tỷ đồng. Tại HDBank, nơi cổ phiếu HDB đã "cuốn đi" 16,5% giá trị trong 2 phiên vừa qua, khối tài sản của bà Thảo cùng Công ty Sovico giảm thêm hơn 1.000 tỷ đồng.  

Tại Masan, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang không sở hữu cổ phiếu MSN nào, nhưng vợ ông và pháp nhân liên quan nắm 420 triệu cổ phần, tương đương 37% vốn tại Masan. Cổ phiếu MSN đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp, đánh bay hơn  5.100 tỷ đồng của tỷ phú đô la này.

Những đại gia chứng khoán của Việt Nam

Khối tài sản khủng của tỷ phú Việt Nam
Tỷ phú đô la "mới nổi" trên thị trường hiện nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, khi cổ phiếu HPG giảm sàn 2 phiên liền. Với tỷ lệ sở hữu 32,4%, tương đương 492 triệu cổ phần tại Hoà Phát, khối tài sản của ông Trần Đình Long và vợ đã giảm tới 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo thống kê, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết mất hơn 3.700 tỷ đồng (cổ phiếu FLC và ROS), Chủ tịch Hoa Sen Group Lê Phước Vũ mất hơn 400 tỷ đồng.

Tập đoàn Thaibev — đơn vị được cho đứng sau thương vụ thâu tóm gần 54% vốn của Sabeco vừa qua, cũng mất 5,9% giá trị trong 2 phiên vừa qua, trị giá gần 5.000 tỷ đồng. Nếu tính kể từ thời điểm đấu giá cổ phần SAB, nhà đầu tư Thái đã mất tròn 30.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD.

Nguyên nhân của đà giảm thị trường chứng khoán trong 2 phiên giao dịch vừa qua được cho là các ETF quan trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ đều sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch tối qua. Điểm đáng lo ngại nhất là các ETF này đều ở trong trạng thái discount nên khối ngoại có thể bán ròng trở lại trong ngắn hạn.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên đầu tuần. Dow Jones có lúc sụt gần 1.600 điểm trong phiên giao dịch, đồng thời đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. 

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giới đầu tư ở thị trường Việt Nam, kéo thị trường chứng khoán tụt hơn 122 điểm chỉ trong 2 phiên giao dịch gần nhất.

Nguồn: An ninh Tiền tệ

Thảo luận