Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) với hình ảnh "trái cây năm màu". 5 màu tượng trưng cho "ngũ thiện căn" theo quan niệm nhà Phật, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Tại sao lại là 5 loại quả mà không phải là con số nào khác? Trong văn hóa phương Đông, nhiều quy luật tự nhiên được gắn với chữ "Ngũ" như ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng… Số 5 tượng trưng cho sự sống, sự đầy đủ và 5 loại quả cũng ứng với thuyết ngũ hành.
Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính với các bậc tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động cả năm của con cháu dâng lên các bậc bề trên.
Việc lựa chọn 5 loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng về sản vật của các vùng miền. Mỗi loại quả có những ý nghĩa riêng, thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cả cách đọc tên.
Ý nghĩa một số loại quả trong mâm ngũ quả
Chuối xanh: Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.
Quả phật thủ: Phật thủ có hình dạng đặc biệt tựa như những bàn tay của Phật, che chởm bảo vệ cho gia đình. Phật thủ thường được đặt ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.
Quýt/quất: Theo âm Hán của từ "quất" gần giống âm của từ "cát". Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Bưởi: Phúc lộc, viên mãn.
Xoài: Cầu mong không thiếu thốn.
Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.
Sung: Với mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc
Đu đủ: Là biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.
Nguồn: VTC News