Mặc "đòn thù hiểm" từ Mỹ, Nhật, quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc đang xoay chuyển?

Vì nhiều lí do, Mỹ và Nhật Bản không muốn hai miền trên bán đảo Triều Tiên đi vào hoà dịu và xích lại gần nhau.
Sputnik

Cuộc gặp gỡ đỉnh cao

Thế vận hội Mùa Đông năm nay tổ chức ở Hàn Quốc chưa cần khởi tranh đã có thể được coi là rất thành công về chính trị, khi đánh dấu mức độ cải thiện quan hệ rõ nét nhất và cũng quan trọng nhất kể từ hơn 10 năm nay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Dàn cổ động viên Triều Tiên khiến thế giới phải "sửng sốt" (Video)

Hai nước bán đảo đã cùng nhau thực thi chiến dịch ngoại giao thể thao ngoạn mục gần như xưa nay chưa từng thấy giữa các quốc gia trên thế giới.

Đỉnh điểm là việc tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mời sang thăm chính thức Triều Tiên, đã thế lại còn "càng sớm càng tốt".

Tính bất ngờ của chuỗi sự kiện đưa đến đỉnh cao ấy nổi bật ở chỗ, cách đây có không đầy một tháng rưỡi thôi, tiến trình hoà dịu này giữa hai miền còn bị coi là không tưởng và gần như không có ai trên thế giới tin rằng tới đây sẽ sớm có được cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.

Tác động mạnh mẽ và sâu sắc của nó tới hai nước và các đối tác khác liên quan, dù trực tiếp hay gián tiếp, tới vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có thể thấy được rất rõ và rất đặc trưng ở thái độ không hài lòng của Mỹ, cũng như ở việc phía Nhật Bản tìm cách cản phá.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un với em gái Kim Yo-jong

Chi tiết các cuộc đàm phán giữa phái đoàn CHDCND Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc
Giữa lúc Triều Tiên và Hàn Quốc thúc đẩy hoà dịu, phía Mỹ tiếp tục gia tăng mức độ áp lực và đối địch với Triều Tiên.

Khi tham dự nghi lễ khai mạc Thế vận hội, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã chủ ý tránh bắt tay ông Kim Yong-nam — Chủ tịch Quốc hội và là người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa của Triều Tiên, và bà Kim Yo-jong — em gái ông Kim Jong-un.

Khi đoàn vận động viên (VĐV) của Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tiến vào sân vận động dưới lá cờ chung, tất cả mọi người đều đứng dậy hoan nghênh, chỉ có ông Pence vẫn ngồi im.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong gặp gỡ ông Moon Jae-in đã tìm cách thuyết phục phía Hàn Quốc nối lại tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản — việc chắc chắn sẽ bị phía Triều Tiên coi là khiêu khích và khiêu chiến.

Những hình ảnh và động thái ấy cho thấy Mỹ và Nhật Bản không muốn hai miền trên bán đảo Triều Tiên đi vào hoà dịu và xích lại gần nhau.

Cột mốc lịch sử quan trọng

"Thư gửi Washington": Bắc Triều Tiên tổ chức cuộc duyệt binh trước thềm Thế vận hội
Ngoại giao thể thao lần này của Hàn Quốc và Triều Tiên đã tạo dấu mốc và bước ngoặt quyết định mới cho mối quan hệ giữa hai nước.

Không phải như thế sao khi ông Kim Yong-nam là đại diện cao cấp nhất của Triều Tiên tới Hàn Quốc và bà Kim Yo-jong là thành viên đầu tiên của gia tộc Kim Nhật Thành đến Hàn Quốc.

Không phải như thế sao khi cuộc thượng đỉnh liên Triều thứ 3, sau hai lần vào năm 2000 và 2007, sẽ sớm được tổ chức trong thời gian tới.

Một khi đưa ra lời mời này, phía Triều Tiên đã sẵn sàng làm những gì cần thiết để ông Moon Jae-in có thể tới Bình Nhưỡng mà không gặp khó khăn trong nội bộ và để cho Mỹ hay Nhật Bản có lý do cản phá.

Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam

Một khi cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều được thực hiện, cả hai nước chắc chắn sẽ có nhượng bộ lẫn nhau để cuộc gặp cấp cao không chỉ thành công, mà còn trở thành tác nhân chi phối và dẫn dắt quan hệ song phương trong thời gian tới. Nó sẽ khác chứ không phải là sự lặp lại hai cuộc thượng đỉnh trước.

Sự chủ động hoà giải của Triều Tiên có thể có lý do ở nhu cầu đi trước khai thông đột phá nhằm đối phó với những khó khăn do bị bao vây, cấm vận và trừng phạt, nhưng chắc chắn nhằm phân rẽ Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản, giúp Trung Quốc và Nga bớt khó xử trong khi làm cho Mỹ và Nhật Bản thêm bối rối và bị động đối phó.

Chừng nào tiến trình này còn tiếp diễn thì chừng đó Triều Tiên chắc sẽ không thử hạt nhân và phóng tên lửa. Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nhờ thế trở thành trục chính trong mọi chuyện liên quan đến bán đảo.

Những người đẹp-cổ động viên Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội Pyeongchang
Cũng vì thế mà Triều Tiên đã chủ động đi xa chưa từng có trong hoà dịu với Hàn Quốc, đồng thời tỏ ra không để tâm nhiều đến và không coi trọng quan hệ với Mỹ nữa. Điều đặc biệt ở lần này là phía Triều Tiên hậu thuẫn ông Moon Jae-in, để Hàn Quốc độc lập hơn với Mỹ và tự tin hơn vào triển vọng của đối thoại và tiếp xúc trực tiếp liên Triều.

Thế vận hội Mùa Đông năm nay ở Hàn Quốc diễn ra trong có 16 ngày. Nhưng rõ ràng là tác động của ngoại giao thể thao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc còn tiếp tục cả sau đó, hướng tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ 3.

Quan hệ song phương Hàn-Triều chuyển biến nhanh chóng và đang làm thay đổi cả cục diện tình hình chính trị an ninh ở khu vực, với tác động mạnh mẽ tới quan hệ của từng nước với các đối tác khác.

Khai mạc Thế vận hội Mùa đông XXIII tại Pyeongchang

Việc ấy buộc các đối tác này sớm muộn cũng sẽ phải điều chỉnh chính sách của họ đối với Triều Tiên và tìm kiếm cách tiếp cận mới cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như cho xử lý quan hệ của họ với Triều Tiên.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Theo: Thời Đại

Thảo luận