Khác với nhiều cuộc tiến công chiến lược khác, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta đã vận dụng rất sáng tạo cách đánh vừa hiểm hóc vừa vô cùng táo bạo; kết hợp chặt chẽ nghi binh với tạo thế để kéo giữ phần lớn chủ lực địch ra chiến trường rừng núi; tập trung lực lượng mạnh đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu nhất, nằm sâu trong hậu phương quân thù trên vùng đô thị, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Chiến thắng đó đã gây chấn động tới toàn nước Mỹ, từ người dân bình thường đến các chính khách cũng như nhiều đời tổng thống đều bàng hoàng và kinh ngạc trước sức mạnh cũng như cách đánh của ta.
Leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc hòng làm suy yếu đối phương, thất bại của Mỹ ngày càng nặng nề. Ở miền Nam, dựa vào sức mạnh quân sự, kẻ thù tiến hành hai cuộc phản công không "tìm diệt" được chủ lực ta.
Ngược lại, nhiều đơn vị của chúng lại bị đánh thiệt hại rất nặng nề, buộc phải lùi về phòng ngự để "quét giữ" bảo vệ vùng đô thị, chờ tăng quân chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược lần thứ ba.
Ở hậu phương miền Bắc, hàng chục nghìn quân cùng hàng vạn tấn vật chất được gấp rút chuyển vào chi viện cho tiền tuyến. Tạo được lực, thế, thời, quân và dân miền Nam tiến hành đánh địch rộng khắp trên toàn miền, mở một số chiến dịch để kéo giữ chủ lực Mỹ-ngụy ra vùng rừng núi, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Trong lúc kẻ thù đang lúng túng lo đối phó với ta trên toàn chiến trường, nhất là ở hướng Đường 9 và Khe Sanh thì bất ngờ đúng Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, ta đã đồng loạt tiến công mạnh, đánh thẳng vào các thành phố và thị xã, đặc biệt là Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng.
Nhiều mục tiêu trọng yếu của địch như: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam cộng hòa, sân bay Tân Sơn Nhất… đều bị tiến công. Sức mạnh cùng lối đánh hiểm hóc và táo bạo của ta đã gây chấn động đến toàn nước Mỹ.
Ngay ngày hôm sau, báo chí Mỹ đã đăng tải nhiều bài viết với những dòng tít lớn: Cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của cộng sản vào Sài Gòn và nhiều thành phố, tỉnh lỵ, thị trấn là điều đáng kinh ngạc.
Sau đó họ còn phân tích làm rõ: Chỉ riêng cách cảnh sát và lực lượng quân sự Mỹ phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc tòa đại sứ ở Sài Gòn trong khói lửa của bom đạn để giành lại sự kiểm soát đã làm mất đi lòng tin và sự lạc quan của chính phủ cũng như dân chúng.
Những bình luận sắc sảo đó đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong các tầng lớp nhân dân. Hàng trăm cuộc biểu tình phản đối chiến tranh đã liên tiếp nổ ra trên khắp nước Mỹ, nhiều thanh niên đã đốt thẻ quân dịch ngay trên các đường phố.
Trong giới chức Mỹ, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra rất gay gắt, nhất là trong thượng viện và hạ viện. Một bên thì ủng hộ, một bên thì kiên quyết phản đối chiến tranh và bác bỏ mọi yêu cầu đòi tăng quân cũng như ngân sách của chính phủ.
Cuộc "khẩu chiến" diễn ra ngày càng quyết liệt, khiến cựu Tổng thống D.Eisenhower phải buồn phiền than thở: "Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như hiện nay của nước Mỹ, lại bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh".
Một số cố vấn thân cận của tổng thống cũng đưa ra khuyến cáo: Cần đánh giá và đưa ra quyết định đúng đắn về chiến tranh.
Trước sức ép của công luận, dân chúng và quan chức Mỹ, Tổng thống Johnson buộc phải triệu tập cuộc họp với các quan chức cấp cao để tham khảo ý kiến và đưa ra quyết định: Dừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đồng ý đàm phán ở Paris, từng bước rút quân Mỹ về nước.
Đồng thời ông còn tuyên bố: Sẽ rời khỏi vũ đài chính trị với hy vọng thống nhất lại nội bộ quốc gia hiện đang bị chia rẽ, kể cả những người thân cận nhất của tổng thống.
Cuộc tiến công không chỉ gây chấn động tức thời mà còn để lại hội chứng lâu dài trong lòng xã hội Mỹ. Trong hồi ký, nhiều nhà nghiên cứu, quan chức cũng như các tướng lĩnh đều thú nhận thất bại rất nặng nề của quân đội Mỹ.
Đại tướng Westmoreland, nguyên tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam trong cuốn "Một quân nhân tường trình" viết: "Việt cộng đưa chiến tranh đến tận các thành phố và các đô thị… Họ đã giáng cho chính phủ Việt Nam cộng hòa một đòn chí mạng".
Còn tướng Maxwell D.Taylor, cựu đại sứ Mỹ ở Sài Gòn về làm cố vấn của tổng thống, trong cuốn "Thanh gươm và lưỡi cày" đã cay đắng ghi nhận:
"Chỉ trong hai ngày họ đã đánh vào 5 đô thị lớn và 39 tỉnh lỵ. Những trận tiến công được báo chí tường thuật dưới những hàng tít lớn, đã làm cho phần lớn dân chúng cùng một số quan chức kinh hoàng, sự hoảng hồn đó mãi mãi không bao giờ khôi phục được".
Còn nhà sử học Gabriel Kolko trong tác phẩm "Giải phẫu một cuộc chiến tranh" đã đánh giá:
"Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nó trở thành cuộc chiến tranh ở nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882, đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội và nội bộ sâu sắc, một sự phân hóa về chính trị".
Nhiều quan chức khác cũng có chung nhận xét: "Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân chứng tỏ người Mỹ hoàn toàn không kiểm soát được gì trên đất nước này".
Theo: QĐND