"Có thể bỏ Táo quân, nhưng đừng bỏ vũ khí chống cái xấu"

Trong loạt bài Nên dừng hay tiếp tục chương trình Táo quân của chúng tôi, chỉ có 6,99% muốn nói lời chia tay. 7,31% độc giả khác muốn được thay thế bằng chương trình mới.
Sputnik

Có đến 85,69% độc giả còn lại muốn tiếp tục được cười cùng cái sự đời trong Táo quân mỗi tối 30 Tết. Con số này hẳn là một tin tốt lành đối với những gia đình suốt 15 năm qua đã bổ sung Táo quân vào thực đơn không thể thiếu trong ngày Tết.

Ba cô gái trên sân khấu Táo Quân đã nóng bỏng, ngoài đời còn bốc lửa hơn
Bánh chưng dẫu có ăn quanh năm, nhưng Tết không có, sẽ thấy xuân vơi đi mấy phần.

Nếu Táo quân chỉ đơn thuần là chọc cười, là mua vui ngày Tết, thì với tôi, việc dừng lại hay tiếp tục, không quan trọng. Không diễn vở hài này, ta xem vở hài khác.

Nhưng nếu phải cân đong độ nặng nhẹ tác động xã hội "phía sau tiếng cười", thì chắc chắn không có bất cứ một trương trình hài nào, dù tụ hội nhiều danh hài hơn nữa, lại có thể so được với Táo quân.

Cách đây vài năm, một Bộ đã phải làm một công việc chưa có tiền lệ: Gửi công văn hỏa tốc đề nghị "kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc Trung tâm sản xuất phim truyền hình dàn dựng, tổ chức biểu diễn chương trình Gặp nhau cuối năm — Táo quân 2014".

Táo Quân 2018 sẽ là chương trình cuối cùng?
Tất nhiên lý do đưa ra là để lời thoại và nội dung Táo quân "phù hợp thuần phong mỹ tục", nhưng công văn ấy lại khiến cho hàng triệu công chúng nghĩ tới những ẩn ý thú vị và thêm một lần nữa "nhìn rõ" sức tác động xã hội to lớn của Táo quân. 

Sức tác động xã hội ấy, đã được TGĐ Đài TH VN Trần Bình Minh nói thẳng trong một phiên họp quan trọng:

Ông Minh cho biết: Nhiều bộ trưởng đã "nhỏ, to" trao đổi, đề nghị hình ảnh về ngành của mình được đề cập nhẹ nhàng hơn trong bản sớ "sắc như dao" của các Táo vào đêm cuối cùng của năm cũ.

Phê phán trong thời điểm bình thường vốn đã ý nghĩa cảnh tỉnh lớn. Phê phán bằng tiếng cười sâu cay trong thời điểm nhà nhà đều muốn ngồi trước màn hình ti vi để tổng kết một năm bộn bề, càng có sức công phá gấp bội.

Ngày trước, nhiều làng xã đã yên bình trở lại nhờ việc bêu tên những kẻ xấu trên mõ làng, trên bảng tin, trên loa phát thanh công cộng.

Không có chế tài nào hiệu quả bằng sự minh bạch. Ở nơi nào mà cái xấu, cái lén lút bị lột mặt công khai, nơi ấy chắc chắn sẽ giảm thiểu cướp đêm, cướp ngày, giảm thiểu vô cảm và ích kỷ.

Táo Quân 2018: Lộ hết rồi,​ thưa "Ngọc Hoàng"!
Chương trình Táo quân, chính là cái mõ làng, cái bảng tin, cái loa phát thanh khổng lồ để giễu nhại và tấn công cái xấu, góp ý cái chưa tốt.

Nếu thiếu Táo quân, bữa cơm Tết của hàng triệu gia đình Việt sẽ thiếu đi một đặc sản thân thuộc.

Những người chờ đón Táo quân, trong sâu thẳm, họ mong muốn xã hội công bằng hơn nữa, chờ đón những kẻ xấu phải trả giá, ít nhất là trả giá trên miệng lưỡi thế gian.

Ngược lại, thiếu Táo Quân, những quan tham, những kẻ quen thói hư tật xấu sẽ có một cái Tết ngon hơn thay vì phải nhấm nháp một khẩu phần chát đắng.

Vì lẽ đó, có thể bỏ Táo quân (vì suy cho cùng nó cũng chỉ là một chương trình, ngày nào đó nó sẽ phải dừng lại) nhưng đừng bỏ đi thứ vũ khí lợi hại chống lại cái xấu.

Nếu không có một chương trình mới đủ thay thế, đủ khiến công chúng người sảng khoái bàn luận, khiến vị bộ trưởng nào đó phải nhỏ to "mong được phê phán nhẹ hơn", thì Táo quân sẽ vẫn được hàng triệu người trông đợi tối 30 giống như việc phải ăn một miếng bánh chưng ngày Tết.

Nhà Báo Bùi Ngọc Hải

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Thảo luận