Ảnh "tự sướng" của GS Sơn, lòng tham và bài học từ hai đứa trẻ

Hai đứa trẻ, một 7 tuổi, một 9 tuổi, hóa ra lại có chung sự "thấu cảm" với một GS. TS – bàn tay vàng của y học Việt Nam.
Sputnik

"Khi anh không tham lam, anh sẽ không bao giờ bị khinh rẻ".

Trong bài trả lời phỏng vấn rất dài nhưng tuyệt hay của GS. TS Trịnh Hồng Sơn — bàn tay vàng của ngoại khoa Việt Nam, có ba chi tiết khiến tôi chú ý đặc biệt.

Chi tiết thứ nhất là việc vị GS này thích chụp ảnh "tự sướng" với bệnh nhân sau mỗi ca mổ thành công. Ông đã có hàng ngàn bức ảnh như thế và thường ngắm chúng như một động lực cho cái nghề nhiều vinh quang song hành với cay đắng.

Chi tiết thứ hai, là GS Sơn luôn ghi chép tỉ mỉ hoàn cảnh kinh tế của từng bệnh nhân để có thể kê đơn thuốc không vượt quá khả năng tài chính của họ, nhất là với bệnh nhân nghèo.

Chi tiết thứ ba là một phương châm sống của ông "Khi anh không tham lam, anh sẽ không bao giờ bị khinh rẻ". Vì thế GS Sơn không bao giờ nhận phong bì của người đang điều trị và bệnh nhân nghèo trong bất cứ tình huống nào. Vì thế ông đã từ chối chức GĐ bệnh viện Hữu Nghị để được ở lại bệnh viện Việt Đức để làm chuyên môn cho tốt.

Những bức ảnh "tự sướng" với bệnh nhân giúp GS Sơn luôn nhớ mình là thầy thuốc, và "sự tham lam tuyệt vời nhất" của mỗi thầy thuốc, không phải là chức vụ, mà là thành tựu trong việc cứu sống người bệnh.

Khi ghi chép hoàn cảnh kinh tế của bệnh nhân, nhất là người nghèo, chắc chắn GS Sơn sẽ không "ép" họ phải mua những đơn thuốc biệt dược đắt đỏ với phần trăm hoa hồng hậu hĩnh mà một số trình dược viên đưa ra, khiến nhiều bác sĩ phải động lòng.

Khi không không muốn mình bị khinh rẻ, y đức người thầy thuốc mới có thể vẹn toàn.

Tiếp tục sống ngay cả khi đã chết

Hôm qua, một cậu bé 9 tuổi, cũng đã không muốn bị khinh rẻ vì tham lam.

Nhặt được 44 triệu đồng, nhưng Nguyễn Nhựt Nam, học sinh lớp 3A, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, đã kiên quyết đòi ông bà mình phải trả lại bằng được cho người đánh mất.

Nhựt Nam giải thích: "Lúc lượm được bóp tiền con không nghĩ gì ngoài chuyện kiếm chủ của nó để trả lại. Ông bà từng dạy con không tham lam của rơi nên con làm theo".

Số người đăng ký hiến tạng tăng đột biến sau tin bé gái 7 tuổi hiến giác mạc khi qua đời
Cũng hôm qua, khi trải lòng về chuyện đồng ý cho thiên thần 7 tuổi Nguyễn Hải An hiến giác mạc, người mẹ của bé, chị Nguyễn Trần Hải Dương đã nói về một trong những ước nguyện cuối cùng của cô bé:

"Trước đây con thường ôm đầu tôi đặt vào tim con rồi bảo, mẹ hãy tiếng tim con đập và con muốn sau này mẹ sẽ được nghe thêm tiếng tim con đập nhưng tôi rất tiếc không thể thực hiện hết di nguyện của con vì luật không cho phép" (từ 18 tuổi trở lên mới được hiến các bộ phận khác).

Mẹ Hải An đã không còn nghe được tiếng tim con mình đập, nhưng điều tuyệt vời vẫn tiếp diễn: Con chị vẫn có thể nhìn thế giới này và nhìn mẹ mình qua con ngươi của hai người khác.

Nhưng điều lay động nhất chỉ mới bắt đầu. Sẽ có thêm rất nhiều người được kéo dài sự sống và có thêm rất nhiều người có cơ hội được cứu chữa nữa nhờ "nhiệt hạch cảm hứng" từ mẹ con Hải An. Cảm xúc xã hội tuyệt vời đã biến thành hành động tuyệt vời.

Đứa trẻ 9 tuổi Nhật Nam kiên quyết không nhận thứ không phải của mình. Nhựt Nam không tham lam vì bé được sống trong một ngôi nhà không có người tham lam.

Đứa trẻ 7 tuổi Hải An cho đi ngay cả cái mà quan niệm phương đông cho rằng là "toàn vẹn cơ thể". Hải An được kéo dài sự sống trong cơ thể của người khác, vì bé có một người mẹ biết hy sinh, biết sẻ chia.

GS. TS biết sợ hãi và từ chối xe hơi nhà lầu tiền tỉ, nếu nó có được do thăng chức, để tập trung vào sự nghiệp cứu chữa cho hàng ngàn người.

Trong thời kỳ mà không ít người chỉ muốn lao vào nhau cắn xé giành giật, dù chỉ là một cái phết, một quả cầu, một chức sắc dù nhỏ nhất thì việc biết cho đi, biết từ chối tham lam, khiến họ trở nên rất đáng quý và khác biệt giữa cuộc đời.

Họ chính là những tin tốt lành nhất của cuộc đời này!


Nhà Báo Bùi Ngọc Hải

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Thảo luận