Ông Nguyễn Lê Anh: «Tôi đã rõ chỗ chiếc tiêm kích Xô-viết rơi ở Việt Nam»

Ở đây là chuyện nói về chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 từng thực hiện chuyến bay huấn luyện ngày 30 tháng 4 năm 1971.
Sputnik

Trong buồng lái khi ấy có huấn luyện viên Liên Xô, đại úy Yuri Poyarkov — trước đó, ông đã dạy bay cho phi hành gia tương lai Phạm Tuân và học viên Công Phương Thảo tốt nghiệp Trường hàng không Liên Xô cách đó chưa lâu. Khi đang bay trong khu vực Tam Đảo, chiếc phi cơ bỗng nhiên biến mất khỏi màn hình radar. Máy bay không trở lại phi trường. Cuộc tìm kiếm được tiến hành suốt 40 ngày, nhưng vẫn không xác định được địa điểm máy bay rơi. Theo công bố chính thức, cả hai phi công đều tử nạn.

Vì sao chưa tìm thấy huấn luyện viên của Phạm Tuân bị mất tích ở Việt Nam?
Sau gần nửa thế kỷ, câu hỏi về vụ tai nạn xảy ra tròn bốn năm trước mốc giải phóng Sài Gòn đã được một số thành viên cộng đồng mạng xã hội trong nước nhắc lại và phản ánh cả trên trang Sputnik Vietnam. Cựu phi công Nam Nguyên xác định địa bàn diện tích 30 km vuông, mà theo ông, máy bay có thể rơi ở đó. Còn ông Nguyễn Lê Anh, cựu sĩ quan Không quân Việt Nam, từng bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Khoa Toán-Cơ MGU, thì dày công nghiên cứu vẽ những tuyến đường giả thiết của chuyến bay và chỉ ra nơi xảy ra tai nạn. Anh Vương Văn Yên, cán bộ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) hoàn toàn đồng ý với giả thiết này. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, anh nói rằng khi còn nhỏ, hồi những năm 90, anh lần đầu được nghe các bậc cha chú kể chuyện máy bay rơi. Có những người đã đến vị trí ấy ngay trong những năm chiến tranh. Họ không tìm thấy thi thể các phi công, nhưng nhặt được một số mảnh nhôm vỡ ra từ máy bay rất hữu dụng.

Dịp giáp Tết Mậu Tuất, ông Nguyễn Lê Anh nhận được điện thoại và lời hứa giúp đỡ của anh Đặng Tuấn, một thanh niên từ làng Mỹ Yên huyện Đại Từ, thông báo rằng mọi người trong gia đình anh cho đến nay không chỉ nói về vụ tai nạn máy bay, mà còn biết đường dẫn tới điểm tai nạn.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Nguyễn Lê Anh, người ham thích môn leo núi suốt 20 năm qua, cho biết như sau:

Nơi hy sinh phi công Xô viết và phi công Việt Nam giờ đây được xác định!

"Cuộc thám hiểm được tiến hành ngay sau kỳ nghỉ Tết. Điểm đến đầu tiên là làng Mỹ Yên, người dân ở đây hứa đưa chúng tôi đến nơi xảy ra tai nạn, cũng chính là điểm mà tôi đã giả định từ trước. Chỗ đó cách làng 5 km. Nếu tính theo đường thẳng, thì buộc phải leo lên núi và vượt qua cánh rừng rậm rạp. Người hướng dẫn của chúng tôi biết đường rất rõ nên chỉ mất cả thảy bốn giờ đồng hồ. Tôi chụp ảnh tất cả mọi người khi đến nơi, vì thế chính tôi không có mặt trong hình. Nhưng đối với tôi, điều chính yếu không phải là để xuất hiện trong những bức ảnh mà là để tìm thấy cái gì đó từ mảnh vỡ máy bay. Và chúng tôi đã làm được! Đã tìm thấy một mảnh vỡ khá lớn. Tôi tin chắc rằng đây là mảnh của chiếc MiG-21 ấy".

Tuy nhiên, là một sĩ quan kiêm nhà toán học (mà đối với những người theo nghề này thì yêu cầu quan trọng là tính chuẩn xác), ông Nguyễn Lê Anh hiểu rõ rằng ý kiến ​​cá nhân của ông không phải là quyết định. Trong những ngày tới, ông sẽ chuyển mảnh vỡ đã tìm thấy cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Hà Nội.

"Và họ sẽ quyết định, như vậy đã hoàn thành cuộc tìm kiếm gần nửa thế kỷ nay, hay là còn cần tiếp tục", — ông Nguyễn Lê Anh cho biết.

1 / 4
Tìm thấy mảnh kim loại, có khả năng là của chiếc máy bay Liên Xô MiG-21 bị rơi ở Tam Đảo năm 1971
2 / 4
Tìm thấy mảnh kim loại, có khả năng là của chiếc máy bay Liên Xô MiG-21 bị rơi ở Tam Đảo năm 1971
3 / 4
Tìm thấy mảnh kim loại, có khả năng là của chiếc máy bay Liên Xô MiG-21 bị rơi ở Tam Đảo năm 1971
4 / 4
Tìm thấy mảnh kim loại, có khả năng là của chiếc máy bay Liên Xô MiG-21 bị rơi ở Tam Đảo năm 1971
Thảo luận