Ý đồ cần làm rõ: Vì sao Vũ nhôm cho thư ký ông Xuân Anh mượn nhà?

Việc ông Ánh nhận nhà là vô tư hay có ý đồ rất cần phải được làm rõ.
Sputnik

Vì tình cảm?

 Ngày 28/2,  ĐBQH đoàn Đà Nẵng — Nguyễn Bá Sơn cho biết nhiều thông tin liên quan tới việc mượn nhà của ông Hồ Ánh  (Phó phòng Tổng hợp Văn phòng Thành uỷ, nguyên thư ký của cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh).

Cựu thư ký ông Xuân Anh "mượn tạm nhà" Vũ ‘nhôm’ vì "quan hệ thân quen"

Theo đó, vị đại biểu này cho hay, thông tin ông biết được là khi ông Vũ "nhôm" cho ông Hồ Ánh mượn nhà đúng thời điểm ông Ánh mới về làm việc theo diện ký hợp đồng tại UBND thành phố Đà Nẵng. Khi đó ông Ánh mới "chân ướt chân ráo", chưa có nhà ở, không có nơi cho con đi học.

"Cũng có thể Vũ "nhôm" lúc đó quá giàu mà khi nhìn sang thấy ông Ánh vừa mới về làm việc, lại quá vất vả, khó khăn nên sinh lòng trắc ẩn.

Không nên nhìn vào vụ việc rồi suy diễn ngay rằng, doanh nghiệp thường rất tính toán, nên không có chuyện tự nhiên đi cho một cán bộ hợp đồng mượn nhà. Vì vậy, khi thấy Vũ "nhôm" cho ông Ánh mượn nhà thì lập tức nghĩ ngay rằng họ đang có toan tính, tính toán không trong sáng. Tôi thấy vẫn có nhiều trường hợp giúp nhau vẫn xuất phát từ tình cảm.

Ngôi nhà số 51 Nguyễn Thái Học, Đà Nẵng.

Thư ký ông Xuân Anh nói thật việc ở nhà Vũ nhôm
Có thể trong quá trình làm việc, tiếp xúc, Vũ "nhôm" thấy quý mến ông Ánh nên nghĩ tới việc cho ông Ánh mượn căn nhà mình đang bỏ trống để ông Ánh yên tâm đi làm", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, dư luận cũng không nên cứ xoay quanh chuyện ông Ánh nhận nhà thời điểm nào, nhận để làm gì nữa. Nếu muốn làm rõ động cơ, cơ quan điều tra chỉ cần hỏi rõ Vũ "nhôm" là rõ ngay chứ không cần phải mất thời gian vì việc này.

Phải làm rõ

Có cái nhìn khá bao quát, ông Bùi Văn Xuyền — ĐBQH đoàn Thái Bình thì cho rằng, vụ việc đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Thứ nhất, yêu cầu xác định rõ mục đích cho mượn nhà là trong sáng hay có ý đồ tư lợi, hoặc vì mục đích có liên quan tới đạo đức công vụ… thì cơ quan điều tra phải có kiểm chứng, đánh giá.

Cụ thể là những tác động của việc cho mượn và mượn nhà của Vũ "nhôm" với ông Ánh như thế nào? Có gây ra hậu quả gì không?

Ông Xuyền nói: "Rất cần phải làm rõ, việc cho mượn này có liên quan gì tới các hoạt động sai phạm của Vũ "nhôm" cũng như mối liên hệ với các quan chức, lãnh đạo làm công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố hay không?

Cụ thể, tại thời điểm mượn nhà được diễn ra như thế nào? Hoàn cảnh mượn ra sao? Có phát hiện những thỏa thuận ngầm không? hay từ sau thời điểm mượn nhà vị trí của ông Ánh thay đổi thế nào?

Rồi việc mượn như vậy có tác động, ảnh hưởng, liên quan gì tới những việc làm sai trái của Vũ "nhôm" và các quan chức quản lý trên địa bàn? Các câu hỏi này phải được trả lời dựa trên những căn cứ, cơ sở cụ thể, rõ ràng, không thể cứ để dư luận suy diễn mãi việc mượn cái này chắc phải có cái kia.

Việc này có vai trò rất quan trọng trong quá trình xác định những sai phạm của Vũ "nhôm", nhưng quan trọng hơn là còn liên quan tới uy tín của cán bộ, lãnh đạo trên địa bàn. Vì nếu, việc đi mượn nhà của ông Ánh là trong sáng thì cũng cần phải trả lời cho dư luận để tránh tình trạng suy diễn, hiểu sai lệch, trả lại danh tiếng, uy tín cho ông Ánh", ông Xuyền nói.

Những câu hỏi lớn về ông Vũ nhôm và "vị cán bộ cấp cao" đằng sau vụ lộ bí mật nhà nước
Thứ hai, cơ quan điều tra, cơ quan Đảng cũng cần vào cuộc xác định cho rõ việc mượn nhà của ông Ánh có đúng với các quy định liên quan tới đạo đức công vụ, tới quy định pháp luật hay không? Cụ thể, các quy định cấm những điều công chức, cán bộ không được làm là gì? Có quy định nào cấm không cho cán bộ, công chức có liên hệ với doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ không?

Đặc biệt với một doanh nghiệp đang có rất nhiều mối quan hệ với lãnh đạo thành phố trên địa bàn thì việc một cán bộ, công chức như ông Ánh lại nhận sự giúp đỡ bằng cách mượn nhà của Vũ "nhôm" thì có đúng không? Có chấp nhận được không?…

Ông Xuyền cho rằng, tất cả những câu hỏi trên cũng cần phải được làm rõ để trả lời cho dư luận.

Thứ ba, cần làm rõ những nghi ngại của dư luận đối với việc cán bộ công chức nhận sự giúp đỡ của doanh nghiệp sau đó quay lại trả ơn bằng cách tác động vào cơ chế, chính sách hoặc có những chính sách ưu ái cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho Nhà nước hay không? Cụ thể những chính sách đó gây ra tác động hay hậu quả như thế nào, thiệt hại bao nhiêu…?

Ông cho rằng, dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra các nghi vấn, còn trách nhiệm của các cơ quan điều tra là phải điều tra, làm rõ những nghi vấn đó.

Ông Xuyền cho biết, trên thực tế đã có nhiều vụ việc lợi dụng chức vụ, quan hệ giữa cán bộ, công chức với doanh nghiệp để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện cơ quan Kiểm tra trung ương cũng vẫn đang tiếp tục làm việc và đã chỉ ra rất nhiều vụ việc có liên quan tới việc cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp thủ đoạn, dùng chức quyền để tác động vào chính sách, dẫn tới việc thiếu khách quan, vô tư trong việc bổ nhiệm nhân sự, sắp xếp người nhà trong các cơ quan quản lý Nhà nước hòng đạt được mục đích mưu lợi cho mình.

Do đó, vị đại biểu cho rằng, việc làm rõ những băn khoăn, khúc mắc của dư luận trong vụ việc của ông Hồ Ánh là vô cùng quan trọng.

Nguồn: Báo Đất Việt

Thảo luận