'The Post': Báo chí Mỹ vén màn sự thật đằng sau chiến tranh Việt Nam

The Post là tác phẩm mới nhất của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, nhận được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Meryl Streep.
Sputnik

Vào đầu thập niên 1970, chiến tranh Việt Nam đang trong giai đoạn khốc liệt nhưng chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục "ru ngủ" người dân bằng cách hứa hẹn một chiến thắng trong tầm tay. Khi cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ (Matthew Rhys) đặt chân đến Việt Nam, ông ngỡ ngàng nhận ra sự thật khốc liệt của chiến tranh mà những nhà lãnh đạo đang muốn che giấu, với thất bại thấy rõ nghiêng về xứ cờ hoa. Chính điều này đã thúc đẩy Daniel Ellsberg mạo hiểm tuồn ra ngoài bộ tài liệu "Hồ sơ Lầu Năm Góc" và chuyển cho giới báo chí để phanh phui sự thật ra trước ánh sáng.

Người Mỹ muốn biết sự thật về chiến tranh Việt Nam

Chủ báo Katherine Graham (Meryl Streep) và Tổng biên tập Ben Bradlee (Tom Hanks) của The Washington Post giờ đây bị đặt vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Một mặt, quyết định công bố tài liệu "nhạy cảm" này sẽ giúp tạo dựng danh tiếng cho tờ báo, đồng thời khẳng định quyền tự do ngôn luận của báo chí giữa bối cảnh chính trị hỗn loạn. Mặt khác, vận mệnh tờ The Washington Post có thể lâm nguy, bị kiện hoặc nhẹ hơn là bị buộc phải đình bản.

Kịch bản The Post dựa trên quyển hồi ký của chính Katherine Graham. Những cây bút phê bình trên các trang Slate, The Guardian… đều đánh giá nội dung phim vẫn còn nguyên tính thời sự và đã bắt trúng mạch những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối diện trong thời điểm hiện tại. Trước đây đã có nhiều phim về vụ việc này như All the President's Men (1976), The Pentagon Papers (2003), The Most Dangerous Man in America (2009)… Nhưng chỉ The Post chọn hướng đi khác biệt, thay vì tập trung sự chú ý vào những nhân vật mà công chúng thường nghe nói đến như Daniel Ellsberg hay Ben Bradlee thì câu chuyện trong phim lại tái hiện quá trình đấu tranh tâm lý của bà Katherine Graham để đưa đến quyết định lịch sử.Năm 1963, chồng bà qua đời đột ngột khiến bà phải gánh vác mọi trọng trách đối với The Washington Post. 

Kinh nghiệm xương máu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Qua đó đạo diễn Steven Spielberg cũng khéo léo kể câu chuyện kín đáo về nữ quyền, về người phụ nữ đứng đầu một cơ quan ngôn luận có tầm cỡ. Thời ấy, nam nữ vẫn chưa thực sự bình đẳng, điều này thể hiện qua cảnh sau bữa ăn tối cánh đàn ông được ngồi tại bàn ăn để thảo luận chuyện chính trị, còn những người đàn bà phải sang phòng khách ngồi và tán dóc những chuyện đời thường vụn vặt.

Không những sở hữu một kịch bản hấp dẫn, bộ phim có sự góp mặt của hai ngôi sao hạng A Meryl Streep và Tom Hanks. Cả hai đều thể hiện tròn trịa vai diễn của mình, thế nhưng Meryl Streep vẫn nhỉnh hơn khi khắc họa ngoạn mục quá trình chuyển hóa của bà Katherine Graham từ một phụ nữ nhút nhát, hay do dự để trở thành người đi tiên phong trong công cuộc đi tìm sự thật của báo chí Mỹ. 

The Post rất thời sự và chỉn chu nhưng không phải một tác phẩm có sức gợi về mặt nghệ thuật. Nếu như Steven Spielberg từng cóSchindler's List với hình tượng bé gái áo đỏ đầy ám ảnh thì The Post không có hình tượng nghệ thuật hay cảnh quay nào thực sự đáng nhớ. Thay vì dùng ngôn ngữ điện ảnh để tác động đến người xem,The Post lại ra sức "nhồi" những đoạn đối thoại dồn dập thuần túy cung cấp thông tin xung quanh sự kiện chính, khiến khán giả dễ bị ngộp và cảm thấy như bị những nhà làm phim gián tiếp áp đặt góc nhìn.

Đối với loại phim tiểu sử hay tái hiện sự kiện có thật, tốt nhất nên để người xem tự cảm nhận.

Bộ phim hiện được chấm 88% trên Rotten Tomatoes và 7,3/10 trên IMDb.

Nguồn: Thanh Niên  

Thảo luận