Việt Nam - Nỗ lực không ngừng để người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền con người

Dù là quốc gia đang phát triển và còn nhiều khó khăn, song Việt Nam được quốc tế ghi nhận là một “điểm sáng” với những nỗ lực không ngừng để mọi người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền con người.
Sputnik

Tại phiên thảo luận chung của Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 37 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại sứ Dương Chí Dũng — Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva — đã nêu bật những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

Đại sứ khẳng định, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có việc hoàn thành Báo cáo quốc gia Công ước quốc tế về chống tra tấn, Công ước về quyền dân sự và chính trị, triển khai các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II và chuẩn bị cho báo cáo tại chu kỳ III…

Khóa họp thường kỳ lần thứ 37 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và quyền phát triển. Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, nhất là sau khi thống nhất đất nước năm 1975, đã luôn có những nỗ lực để đảm bảo mọi quyền con người cho công dân, bất chấp muôn vàn khó khăn do bị chiến tranh tàn phá.

Bên cạnh việc không ngừng đảm bảo các quyền công dân về bầu cử, ứng cử, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận… Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao nhằm đảm bảo cho mọi người dân được hưởng ấm no, tăng trưởng kinh tế ngày càng gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Một trong những thành tựu kinh tế gắn liền với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam được ghi nhận là xóa đói giảm nghèo. 

Theo đó, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn, hoàn thành và vượt mức mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo trước 10 năm… Đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 9,45%, vượt mức mục tiêu đề ra là 10%. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu giảm số hộ nghèo còn 4-5% vào năm 2020. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ và là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất. 

Cùng với việc tăng trưởng kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, chỉ số phát triển con người… ở Việt Nam đều có sự thay đổi tiến bộ. Quyền của các nhóm yếu thế như quyền của phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người cao tuổi… đều có những bước tiến rõ rệt.

Cùng với khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế… Việt Nam cũng rất chú trọng ứng phó với những thách thức mới nảy sinh nhằm đảm bảo quyền con người. Là một trong những quốc gia chịu những thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm giới thiệu Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền, tổ chức các cuộc tọa đàm quốc tế liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và gợi mở những vấn đề mới, thiết thực đối với người dân…

Mọi cam kết quốc tế về nhân quyền đều được Việt Nam tuân thủ nghiêm, biến những cam kết quốc tế thành hành động thực tiễn để đảm bảo quyền con người. Chính vì thế, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2001-2003 và 2013-2016.

Nguồn: anninhthudo

Thảo luận