Liên quan đến vụ việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở Long An, sáng 8/3, trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nhóm phụ huynh có dấu hiệu của Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.
Tội này sẽ được xử lý khi cô giáo làm đơn khởi tố cáo và chứng minh được tính chất làm nhục của các vị phụ huynh.
Luật sư Sơn cũng không chấp nhận hành vi bắt cô giáo quỳ của các bậc phụ huynh như báo chí đăng tải.
"Về mặt đạo đức xã hội, không chấp nhận được hành vi của các vị phụ huynh đó. Cô giáo cũng có phần sai nhưng cái sai có thể châm chước được kể cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật. Việc các cháu đi học có nghịch ngợm thì cô giáo nên kết hợp với gia đình để dạy bảo cháu. Bản thân nhà giáo không phải một nghề đơn giản, khi một mình phải dạy bảo cả tập thể như vậy. Về mặt pháp luật, hành vi của nhóm phụ huynh có dấu hiệu của Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015. Tội này sẽ được xử lý khi cô giáo này làm đơn khởi tố cáo và chứng minh được tính chất làm nhục của các vị phụ huynh. Trong đó, phải chứng minh được việc làm nhục có tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự của cô giáo hay không nhưng điều đó lại phụ thuộc vào thái độ, nhận thức và mục đích của người làm nhục là vô tình hay cố ý, có làm ảnh hưởng đến tâm lý của cô giáo" — luật sư Sơn phân tích.
Theo luật sư Sơn, trong trường hợp không thể cấu thành tội phạm thì có thể xử phạt trách nhiệm hành chính theo Nghị định 167, hình phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy theo hành vi mức độ.
Bên cạnh đó, có thể xem xét xử lý hành vi của ông Thuận về mặt công tác cán bộ và về mặt đảng vì bản thân ông Thuận là người biết và am hiểu pháp luật mà lại có hành động như vậy.
Cụ thể, nếu là cán bộ công chức thì phải kiểm tra, xem lại tư cách của ông Thuận. Còn về mặt đảng viên, ông Thuận chắc chắn đang vi phạm những điều đảng viên không được làm, nên sẽ bị xử lý về mặt đảng.
Đồng quan điểm với luật sư Sơn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi bắt cô giáo quỳ của các vị phụ huynh đang có dấu hiệu vi phạm nhiều điều luật.
Trong đó, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".
Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ."
Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định, tội Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người Bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
"Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự nạn nhân đó là hành vi cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan, đoàn thể nơi họ sinh sống hoặc nơi công cộng khác. Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự này phải được thực hiện bằng lời nói chửi rủa, xỉ nhục ở nơi đông người, in ảnh, viết chữ xúc phạm rồi phát tán ra cộng đồng hoặc qua mạng xac hội. Hoặc đối tượng có những hành vi bỉ ổi như ném phân và các chất bẩn khác vào người, nhổ nước bọt, lột chuồng, cắt tóc. Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện nơi công khai trước mặt nạn nhân hoặc vắng mặt người đó nhưng vẫn có ý thức cho nạn nhân biết vì các động cơ mục đích cá nhân. Sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác phải đến mức độ nghiêm trọng mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá như thế nào là bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Điều đó phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian của hành vi, vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, nhận thức của người bị hại trong gia đình và xã hội; sự đánh giá và phản ứng của dư luận xã hội cũng cần phải được xem xét" — luật sư Thơm nói.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, nếu có căn cứ xác định phụ huỵnh đe dọa, ép buộc cô giáo phải quỳ đúng như lời cô N. thì vị phụ huynh đã có dấu hiệu phạm tội "làm nhục người khác".
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên;
b) Đối với 2 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo VTC News