Lời Bác dạy giúp hoàn thiện phẩm chất người chiến sĩ công an

Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân là kim chỉ nam trong công việc và cuộc sống của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an.
Sputnik

 Điều đó được chứng minh bằng quá trình phấn đấu liên tục trong suốt 35 qua của ông. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

- PV: Là một chiến sĩ Công an nhân dân (CAND), Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND đối với ông có ý nghĩa như thế nào?

- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái: Sáu điều Bác Hồ dạy tư cách người Công an cách mạng đến nay đã 70 năm nhưng ý nghĩa thời đại của lời dạy vẫn tỏa sáng, soi rọi con đường tu dưỡng, công tác, chiến đấu của mỗi cán bộ chiến sĩ công an và của toàn lực lượng CAND. Tôi nhận thức rằng, Sáu điều dạy của Bác là một kết cấu hoàn chỉnh, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, tài năng lỗi lạc của một lãnh tụ thiên tài. Đó là một vật báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng lực lượng CAND. Chính vì nhận thức như thế và hành động theo, nên Sáu lời dạy của Bác đối với tôi có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhưng gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần to lớn hoàn thành và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của tôi với tư cách là một chiến sĩ CAND.

- Ông đã thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND bằng một quá trình phấn đấu lâu dài?

— Tôi học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành chiến sĩ CAND từ năm 1983. Ngay từ thời thanh niên, tôi đã hiểu khá sâu sắc Sáu điều Bác Hồ dạy, nhất là giá trị thực tiễn của lời dạy. Nhưng khi chưa là chiến sĩ CAND, tôi đã có sẵn niềm đam mê nghiên cứu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp văn thơ của Người. Từ kính yêu sự vĩ đại của Người, từ hiểu biết, xúc động về những hy sinh của Bác, những người thân trong gia đình Người, đến việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi để hiểu khá sâu sắc Sáu điều Bác dạy nên việc thực hiện Sáu điều dạy của Bác đối với tôi diễn ra một cách tự nhiên, tự giác và lặng lẽ, không lên gân, không đao to búa lớn.

Điều đó còn thể hiện ở kết quả công việc là hoàn thành tốt, kể cả những công việc được giao mà cá nhân tôi không thích, thể hiện ở sự phấn đấu liên tục, sống tử tế, nhân văn ở mọi nơi, mọi lúc, trong tất cả các quan hệ. Nói tóm lại, vì kính yêu Bác, thấm nhuần lời dạy của Bác một cách tự giác, thành tâm nên chuyển biến cũng nhuần nhuyễn, tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy.

- Đã có khi nào ông đi chệch ra khỏi những điều Bác Hồ dạy?

— 35 năm qua được công tác, chiến đấu, học tập, rèn luyện và dâng hiến trong lực lượng CAND, có thể có lúc, tôi bị va vấp hoặc sai sót khi thực thi nhiệm vụ, có thể do nguyên nhân là nhận thức chưa tới, khâu chuẩn bị tiến hành công việc chưa tốt, còn riêng về động cơ của tôi thì luôn luôn trong sáng, tử tế. Có thể khẳng định tôi chưa bao giờ đi chệch ra khỏi những điều Bác Hồ dạy, kể cả trong những thời điểm phức tạp, khó khăn, nhạy cảm hay buồn nhất.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an

Đi tới tận cùng của niềm đam mê 

- Trong bối cảnh công nghệ số, những người công bộc của nhân dân bị "soi" nhiều hơn. Theo ông, các chiến sĩ Công an nhân dân cần làm gì để luôn đẹp trong mắt người dân?

— Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt và phức tạp, những người công bộc của dân bị "soi" nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu. Nếu người cán bộ nào đó có hành động, việc làm không đẹp như đi ngược chiều, đỗ xe trái quy định… sẽ chịu sự phê phán của cộng đồng mạng. Và nhiều khi còn bị cơ quan xử lý nếu có hành vi sai phạm theo luật định.

Các chiến sĩ công an để luôn đẹp trong con mắt người dân thì tốt nhất là phải có việc làm và hành động đẹp, nhất là những chiến sĩ ở bộ phận làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc hàng ngày liên quan đến quyền lợi của người dân. Có 1.001 tình huống ứng xử khác nhau diễn ra trong một khoảnh khắc, nhưng có thể khẳng định: khi mỗi cán bộ chiến sĩ Công an xây dựng bản lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ, ứng xử văn hóa với người dân, học tập và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy thì sẽ xuất hiện sinh động những hình ảnh đẹp trên mạng xã hội, góp phần tăng uy tín của lực lượng.

- Thời gian qua, có nhiều bức ảnh ghi lại hành động đẹp về người chiến sĩ công an giúp dân, tận tụy vì nhân dân phục vụ. Theo ông, đây có thể coi như những tấm gương sáng mà người lính mặc sắc phục đã thực hiện theo lời dạy của Bác? 

— Mỗi ngày có hàng nghìn, hàng vạn việc làm, hành động đẹp của người chiến sĩ công an giúp dân, nhưng vì nhiệm vụ giữ gìn bí mật nên chưa thể được ghi lại và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, có cả những hy sinh, những con người anh hùng dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự mà không thể tuyên truyền. Tôi đồng tình là báo chí, truyền hình, điện ảnh và cả văn hóa nghệ thuật nữa cần vào cuộc để phản ánh chân thực hình ảnh, việc làm cao đẹp của người chiến sĩ CAND để nhân rộng cho cuộc sống này.

- Với tư cách là một nhà văn, ông đã lan tỏa những tấm gương, những hành động đẹp của người chiến sĩ CAND qua các tác phẩm đã ra mắt? 

— Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, công tác trong lực lượng CAND, nên các tác phẩm văn học của tôi thường viết liên quan đến hình tượng người chiến sĩ công an. Khi viết về nhân vật công an, câu chuyện công an, đề tài công an thì lẽ tự nhiên chạm đến những điều Bác Hồ dạy CAND. 70 năm đã trôi qua, bao thế hệ CAND đã thấm nhuần lời dạy của Bác. Các nhà văn — chiến sĩ CAND chúng tôi cũng thế, cũng thấm sâu vào tâm hồn mình nhiều điều Bác dạy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nên như một lẽ tự nhiên sáng tác về đồng đội, về đề tài "nhà mình" là chạm đến những điều Bác dạy.

Nên nhớ là Bác Hồ không bao giờ nói những gì to tát, sự vĩ đại của Người chính là sự giản dị. Tôi từng có tác phẩm báo chí viết về "Những trí thức theo Bác Hồ về nước từ kháng chiến" đoạt Giải Báo chí quốc gia năm 2013. Hai năm sau, cuốn sách cùng tên này in ở nhà xuất bản CAND được Bộ Công an trao giải A cho tác phẩm có thành tích quảng bá cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015".  Nói thế để thấy, tôi khá chuyên tâm và có những thành công nhất định trong việc sáng tác văn học báo chí liên quan đến hình ảnh của Bác Hồ. 

- Với nhiều định danh như nhà báo, nhà văn, nhà sử học, ông làm thế nào để hoàn thành được từng ấy công việc, đặc biệt là nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an "đa-di-năng"?

— Tôi là nhà báo, nhà văn nhưng chưa phải là nhà sử học. Tôi mới được Bộ Công an phân công làm nhà nghiên cứu lịch sử, là lính mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu về khoa học lịch sử. Các cụ ta nói Văn — Sử — Triết bất phân, tôi được động viên, khích lệ nhờ quan niệm này. Lợi thế về nghề báo và nghề văn giúp tôi trong phương pháp tiếp cận và sưu tầm tư liệu — điều tối cần thiết đối với một nhà sử học.

Tôi tin rằng, thực hiện lời Bác dạy "Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ", chắc chắn các nhà khoa học lịch sử — các đồng nghiệp của tôi ở Viện Lịch sử Công an và các chuyên gia sử học khác nữa sẽ giúp đỡ tôi cả về phương pháp và kinh nghiệm để làm tốt công việc nghiên cứu lịch sử công an. Tôi vốn là người ham học, sẽ tận dụng thời cơ và thời gian để nâng cao kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử.

Tôi vốn mê báo chí, văn chương và lịch sử từ bé. Có niềm say mê thì làm việc mới đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, cả ba lĩnh vực này có những nét riêng về phương pháp sáng tạo nhưng điều chung là sẽ làm cho tâm hồn, trí tuệ ta phong phú, sinh động hơn, con người sẽ năng động hơn và sáng tạo nhiều hơn. Chỉ cần sắp xếp thời gian hợp lý sẽ làm tốt, nhưng quan trọng nhất là niềm đam mê thì tôi đã có. Đi tới tận cùng niềm đam mê, chắc hẳn sẽ có tác phẩm hay — Tôi tin như vậy!

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái!

Nguồn: anninhthudo.vn

Thảo luận