Đại sứ New Zealand: 'Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc là bước tiến quan trọng'

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam chia sẻ mối quan tâm về an ninh, kinh tế trước thềm chuyến thăm nước này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sputnik

Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam trao đổi về định hướng hợp tác giữa hai nước, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm New Zealand từ 12/3 đến 14/3. 

Ông Nguyễn Xuân Phúc làm gì khiến nữ Thủ tướng New Zealand bất ngờ?

- Đại sứ đánh giá thế nào về hợp tác Việt Nam — New Zealand?

—  Nếu dùng một từ để miêu tả mối quan hệ giữa hai nước, tôi muốn dùng từ Tăng trưởng, chúng ta đang trong giai đoạn tăng cường hợp tác. 

Trao đổi thương mại song phương năm ngoái tăng 33%, lượng đăng ký visa của du học sinh Việt đến New Zealand tăng đến 60%. Số du học sinh Việt Nam năm 2017 là hơn 2.200 người. Chúng tôi biết rằng con số còn tăng thêm và New Zealand khuyến khích điều đó. Đường bay thẳng giữa TP HCM và Auckland giúp tăng cường du khách hai bên đến khám phá đất nước của nhau.

Hơn thế, hai nước có mối hợp tác chính trị và quốc phòng mạnh mẽ, gia tăng từ vài năm gần đây. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thăm Việt Nam và tham dự Cấp cao APEC năm ngoái, ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đó là một chuyến thăm rất thành công. Tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand mang tên HMZNS Te Kaha (F77) cùng gần 200 thuỷ thủ đã thăm Đà Nẵng hồi tháng 4 năm ngoái, Tư lệnh Lục quân New Zealand Peter Kelly đến thăm Việt Nam cũng trong tháng 4, bà Helene Quilter, Thứ trưởng thường trực Bộ Quốc phòng New Zealand thăm Việt Nam hồi tháng 7. 

Với vai trò Đại sứ tại Việt Nam, tôi thực sự đang có khoảng thời gian đầy hứng thú, hai bên có rất nhiều cơ hội hợp tác, vì thế tôi đang rất bận rộn ở đây.

- Những ưu tiên của hai nước trong 2018 là gì?

New Zealand mở cửa thị trường cho chôm chôm của Việt Nam
- Việt Nam và New Zealand vẫn đang nỗ lực đạt kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 1,7 tỷ USD, mục tiêu đã đặt ra từ năm 2015. Chúng ta đang có tiến triển tốt nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Hai bên cũng đặt mục tiêu tăng 30% sinh viên du học ở New Zealand vào năm 2020. New Zealand cũng thúc đẩy một số dự án phát triển, trong đó có bảo đảm an toàn đập dùng cho thuỷ điện, thuỷ lợi cho Việt Nam.

- Bà trông đợi gì từ chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam?

— Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể coi là một bước tiến của hai nước trong năm nay. Lãnh đạo Việt Nam đến New Zealand cùng các bộ trưởng và các doanh nghiệp hàng đầu. Đó là một cơ hội tuyệt vời để New Zealand "phô bày" những sản phẩm nông nghiệp tốt nhất, chuyên môn trong ngành thuỷ sản, về giáo dục và tôi hy vọng cả về những cảnh đẹp nữa. 

Hai bên dự kiến ký các thoả thuận về thương mại và kinh tế, giáo dục, chương trình hành động chiến lược. Hai nước đang xúc tiến việc xuất khẩu chôm chôm của Việt Nam vào New Zealand và sản phẩm bơ sữa của chúng tôi vào nước các bạn. Thủ tướng New Zealand dịp này sẽ tuyên bố một số dự án mới với Việt Nam, đó là dự án bảo đảm an toàn thực phẩm và năng lượng tái tạo. Hai bên cũng có dự án chia sẻ những kinh nghiệm của New Zealand với Việt Nam về nông nghiệp. 

- Chính sách của New Zealand có điều chỉnh thế nào trong bối cảnh hiện nay?

— Khi thế giới đang thay đổi và ngày càng trở nên bất định, tôi cho rằng với các nước như Việt Nam và New Zealand, mối hợp tác càng trở nên quan trọng. Chúng ta hợp tác không chỉ ở mức độ song phương mà cả ở cấp độ khu vực, thông qua các cơ chế của ASEAN, qua Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF).

Khi xung quanh biến động, việc chúng ta hiểu láng giềng của mình là điều rất quan trọng, nhất là về những ưu tiên và mối quan tâm của họ. New Zealand luôn tin tưởng vào tầm quan trọng của các tổ chức đa phương và luật pháp quốc tế. Có một số lĩnh vực chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. New Zealand là quốc gia nhỏ và việc dựa vào hệ thống quốc tế giúp chúng tôi khuếch trương được tiếng nói của mình lên. Điều đó càng quan trọng trong bối cảnh bất ổn hiện nay.

Hiện New Zealand đang theo dõi quan điểm của các đối tác về chính sách Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương mở và tự do của Mỹ. Chúng tôi đang xem xét cụ thể nó là gì và làm sao New Zealand có thể tham gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Bà Wendy Irene Matthews được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam.

- Bà ghi nhận điều gì rõ nhất trong chính sách của Việt Nam?

— Nổi bật là chính sách độc lập và các bạn có mối quan hệ sâu sắc với nhiều đối tác ở khu vực, không chỉ với New Zealand. Một trong những lý do khiến tôi yêu công việc của mình ở đây là tôi nhận thấy các quan chức và giới nghiên cứu Việt Nam thể hiện cách tiếp cận chiến lược về vai trò của mình trên thế giới. Họ thể hiện rõ quan điểm về quốc gia mình, về tình hình khu vực và quốc tế. New Zealand đang gia tăng mối quan tâm về hợp tác với Việt Nam về những vấn đề này. Việt Nam có những láng giềng thú vị, là thành viên chủ chốt của ASEAN. Việt Nam có một góc nhìn độc đáo có thể chia sẻ với chúng tôi. New Zealand cũng có những quan điểm từ góc độ của mình và các đối tác ở Thái Bình Dương để chia sẻ với Việt Nam.

Chất kích thích của nền kinh tế Việt Nam
- Đại sứ trông đợi gì về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?

— Việc các nước ký kết Hiệp định cho thấy khu vực của chúng ta vẫn quan tâm đến hội nhập và hệ thống thương mại mở. Việc chúng ta thực sự quan tâm đến hợp tác chặt chẽ về thương mại là điều rất quan trọng. Thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng gấp ba lần kể từ khi chúng ta có Hiệp định tự do Thương mại giữa ASEAN, Australia và New Zealand năm 2009.

Tôi hy vọng CPTPP sẽ giúp tạo thuận lợi cho thương mại hơn nữa và giúp tăng hợp tác về cơ chế giữa các chính phủ. Hiện Hải quan New Zealand và Việt Nam đang hợp tác với nhau.

Với New Zealand, chúng tôi nhìn nhận về lợi ích kinh tế lớn từ CPTPP cũng như sự cấp thiết trong hợp tác chính trị chặt chẽ với các đối tác trong khu vực khi tham gia Hiệp định này.

Nguồn: VNExpress

Thảo luận