Mấy ngày trước, gặp lại anh bạn người nước ngoài lâu không nói chuyện, anh đã hỏi tôi một câu hỏi kỳ lạ: "Em có nghĩ phụ nữ Việt Nam là những người quyền lực nhất ở đất nước, nếu không tính đến chính phủ không?
Thú thực, tôi đã đứng hình mất mấy mươi giây vì câu hỏi của anh ấy. Trong mắt tôi, có nhiều người phụ nữ VIệt đến quyền còn chẳng có, đừng nói quyền lực. Bác tôi, mẹ tôi, cô hàng xóm của tôi v.v. ngày ngày đều tất bật, hết việc cơ quan lại đến việc nhà. Từ sáng đến chiều, tay xách nách mang, khi thì hồ sơ dự án, lúc lại túi rau túi đậu. Quyền lực gì kiểu ấy, quyền vất vả, quyền ôm đồm, quyền đầu tắt mặt tối? Nếu là những quyền này thì tôi công nhận. Và tôi tin rằng không chỉ mình tôi, mà rất nhiều người khác cũng có cùng chung nhận định.
Sau khi ngồi nghe tôi kể lể, anh bạn tôi chỉ cười rồi hỏi lại:
"Thế trong nhà em, ai là người nắm quyền quyết định mọi việc?" "Tất nhiên là mẹ em". "Thế còn nhà bạn em?". "Mẹ bạn em". "Vậy còn các gia đình khác nữa thì sao"? Nghe đến đây, tôi cũng chững lại. Vì thực tế cho thấy, hầu như người nằm quyền quyết định trong các gia đình Việt Nam đều là phụ nữ, hoặc mẹ, hoặc vợ. Từ việc chi tiêu, đến chuyện nhà cửa con cái, rồi thì cúng giỗ lễ Tết, phụ nữ đều là người quyết định.
"Nhưng anh không nghĩ họ sống rất vất vả à?".
Anh nói, phụ nữ Việt Nam thích kiểm soát. Họ nắm quyền kiểm soát trong mọi việc. Để đảm bảo được sự kiểm soát toàn diện như thế, họ cần tự tay quản lý tất cả. Đó là lý do vì sao họ vất vả. Nó là cái giá của quyền lực trong lớp vỏ bọc là một cuộc sống quay cuồng, bận rộn. Và phụ nữ Việt Nam nghiện điều đó. Chỉ một giây thôi không biết chồng mình, con mình đang làm gì, nhà cửa ra sao là họ thấy bứt rứt khó chịu ngay.
Tôi không biết phụ nữ VIệt Nam có thật sự nghiện điều đó hay không, nhưng tôi đồng ý rằng phụ nữ Việt Nam rất thích kiểm soát. Tôi tự hỏi không biết liệu việc thích kiểm soát này có bắt nguồn từ chế độ ban đầu của xã hội Việt Nam — chế độ thị tộc mẫu hệ — một chế độ mà phụ nữ luôn nắm giữ vai trò trọng yếu trong gia đình hay không không? Phải chăng, quyền làm chủ đã ngấm vào máu người phụ nữ Việt Nam từ ngàn năm trước đến tận bây giờ? Nếu vậy thì, tại sao ngày nay người phụ nữ Việt Nam cứ luôn khoác lên mình chiếc áo nạn nhân?
Phụ nữ Việt Nam vô cùng giỏi giang và mạnh mẽ. Nhưng dường như họ không ý thức được điều đó. Việc gánh chịu nhiều thành kiến, áp lực khiến họ quên mất nội lực tiềm ẩn của mình to lớn đến mức nào. Họ quên rằng họ có thể dứt áo ra đi nếu cảm thấy cuộc tình không trọn vẹn; họ có thể chia một nửa việc nhà cho chồng hoặc cho thành viên khác nếu bản thân quá mệt mỏi. Họ cũng quên rằng họ có thể mặc kệ cả thế giới và sống chỉ cho bản thân mình. Họ có thể sống ích kỷ, và thế thì đã sao? Không ai có quyền tròng vào cổ họ sợi dây thừng bó buộc rằng họ phải làm vì thế này, vì thế kia. Nói nghe hay là vậy, nghe khí thế là vậy, tuy nhiên có một điều đáng buồn, là phụ nữ Việt đã bị tròng vào cổ nhiều thứ lắm rồi.
Còn cá nhân tôi, tôi mong rằng một ngày nào đó, sẽ có người nói với tôi, phụ nữ Việt Nam là những người phụ nữ tự do nhất họ từng gặp. Tự do sống, tự do yêu, tự do đúng kiểu thích gì làm nấy. Dễ có người bảo như thế thì loạn mất, tôi lại nghĩ dù loạn, đó cũng là một sự nổi loại có tự chủ và tự trọng. Cái mác quyền lực cũng có thể biến thành một sợi dây tròng vào cổ người phụ nữ. Tôi thì không thích điều đó. Và tôi cũng tin chẳng ai thích điều đó.
Nhà sáng lập thương hiệu thời trang DVF Diane von Furstenberg từng nói:
"Tôi không biết mình muốn làm gì nhưng tôi biết chắc chắn người phụ nữ mà tôi muốn trở thành". Không biết phụ nữ Việt liệu có thực sự muốn trở thành con người quyền lực như anh bạn tôi nói chăng?
Nguồn: Khám Phá