Quan hệ chiến lược Việt Nam – Australia: Không chỉ là kinh tế mà còn cả vũ khí quân sự?

Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã nhận định về quan hệ Việt Nam - Australia sau khi được nâng cấp lên Đối tác chiến lược.
Sputnik

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Australia và dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia từ ngày 14-18/3, Giáo sư Carlyle A. Thayer, Đại học New South Wales ở Canberra thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã có bài viết riêng cho TTXVN nhận định về quan hệ hai nước sau khi được nâng cấp lên Đối tác chiến lược.

Vị thế Việt Nam và quan hệ ASEAN-Australia sẽ như thế nào?

Theo bài viết, trong khuôn khổ chuyến thăm, vào ngày 15/3 tại Canberra, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược. Thỏa thuận này phản ánh bước tiến triển đáng kể trong quan hệ song phương suốt 45 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

Trong 45 năm qua, Australia và Việt Nam đã xây dựng lòng tin chiến lược dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung. Năm 2009, Australia và Việt Nam nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và vào năm 2015 nhất trí tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện này. Hiện nay hai nước có sự hợp tác trong 6 lĩnh vực chính, gồm: thương mại và đầu tư; hỗ trợ phát triển; giáo dục; chính trị và ngoại giao; quốc phòng và an ninh; khoa học và kỹ thuật; và giao lưu nhân dân.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Australia, trong khi Australia là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều đã tăng lên hơn 10 tỷ AUD. Cung cấp các dịch vụ giáo dục của Australia đứng đầu danh sách xuất khẩu của nước này. Xuất khẩu than và khoáng sản (gồm nhôm, đồng và kẽm) của Australia cũng tăng mạnh. Việt Nam là thị trường lúa mì và gia súc sống lớn thứ hai của Australia.

Australia hiện là nhà đầu tư lớn thứ 19 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ AUD vào 378 dự án (trong các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, giáo dục, công nghiệp chế biến và nông-lâm-ngư nghiệp). Hỗ trợ phát triển chính thức của Australia sẽ đạt tổng giá trị khoảng 84 triệu AUD trong năm 2017-2018.

Có 6 lĩnh vực ưu tiên, gồm phát triển khu vực tư nhân; nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng (như cầu Cao Lãnh); giảm tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực; đổi mới và bình đẳng giới. Việt Nam là nguồn sinh viên nước ngoài lớn thứ tư của Australia với gần 25.000 du học sinh Việt Nam hiện đang theo học ở tất cả các cấp ở Australia.

Tính đến cuối năm 2018, hơn 1.500 sinh viên Australia sẽ đến Việt Nam học tập và nghiên cứu theo Kế hoạch Colombo mới của Chính phủ Australia. Các trường đại học Australia cũng mở hoạt động ở Việt Nam như Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) mở một trường ở Việt Nam từ năm 2000. Trong những năm gần đây, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và nghiên cứu càng sâu sắc hơn. Chẳng hạn, Đại học Công nghệ Sydney hợp tác cấp bằng tiến sỹ khoa học máy tính với Đại học Quốc gia Việt Nam.

Australia và Việt Nam thúc đẩy quan hệ quốc phòng
Australia Việt Nam thường xuyên tham vấn về các vấn đề chính trị và ngoại giao. Hai nước đã tổ chức Đối thoại chiến lược quốc phòng và ngoại giao ở cấp thứ trưởng hàng năm. Australia và Việt Nam đều có chung cam kết đối với hòa bình, ổn định của khu vực và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hai nước cùng hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Hai nước cũng có mối quan hệ quốc phòng và an ninh rộng lớn với cuộc họp của các quan chức cấp cao diễn ra hàng năm. Năm 2010, bên lề phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN+ ở Hà Nội, Việt Nam và Australia đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng. Năm 2013, hai nước bắt đầu tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc phòng Australia-Việt Nam ở Canberra.

Các lực lượng chức năng hai nước cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chống khủng bố, hợp tác giải quyết nhiều vấn đề an ninh như thực thi pháp luật và tội phạm xuyên biên giới (buôn người, ma túy và tội phạm mạng).

Giáo sư C. Thayer

Australia và Việt Nam hợp tác thúc đẩy khoa học và công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và truyền thông. Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) rất tích cực làm việc với các đối tác ở Việt Nam. Theo số liệu, các quan chức CSIRO mỗi năm thực hiện 150 chuyến thăm làm việc tới Việt Nam. Gần đây hai bên đã khởi động cuộc tham vấn cấp cao hàng năm về nông nghiệp.

Giao lưu nhân dân cũng là phần không thể thiếu cho mối quan hệ song phương. Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2016, gần 300.000 người ở Australia có gốc từ Việt Nam. Công dân cả hai nước đã phát triển mối quan hệ cá nhân thông qua giáo dục, kinh doanh, các hoạt động tình nguyện và du lịch. Năm 2017, xấp xỉ 285.000 lượt du khách Australia đã đến Việt Nam.

Mục đích chuyến thăm Hải quân Việt Nam của tàu tên lửa dẫn đường Australia là gì?
Theo đánh giá của Giáo sư Carlyle A. Thayer, những gì hai nước đã đạt được là rất ấn tượng, song vẫn chưa đủ. Mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Australia và Việt Nam cần phải được nhìn về phía trước và phản ánh thực tế rằng cả hai nước đang hội tụ ngày càng tăng những lợi ích quốc gia chung.

Giáo sư Carlyle A. Thayer nhấn mạnh sau khi thỏa thuận đối tác chiến lược được ký, cả hai bên sẽ phải xây dựng Kế hoạch hành động cho những năm tiếp theo. Có ba lĩnh vực nên được ưu tiên. Thứ nhất, hai bên cần nhanh chóng khởi động một cuộc tham vấn cấp bộ trưởng về hợp tác đối tác kinh tế để định hướng cho thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển nhằm giúp hai nước tăng cường hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế khu vực.

Thứ hai, Việt Nam và Australia nên đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh để cùng đối phó với những thách thức an ninh khu vực đang nổi lên. Thứ ba, cả hai nước cần thúc đẩy đổi mới trên tất cả các khía cạnh của mối quan hệ song phương.

Nguồn: TTXVN

Thảo luận