Biển Đông

Sự kiện Gạc Ma sẽ đưa vào chương trình môn lịch sử mới ra sao?

GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện VN học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình môn lịch sử mới, cho PV Thanh Niên biết sự kiện Gạc Ma sẽ xuất hiện 3 lần trong chương trình môn sử mới.
Sputnik

Vì sao cần 30 năm sau mới công bố?

GS Phạm Hồng Tung cho biết: "Giống như tất cả sự kiện lịch sử khác của và thế giới, chúng ta đều cần có thời gian để nghiên cứu, thậm chí là cần "độ lùi lịch sử" nhất định để sưu tập, kiểm chứng tư liệu; chiêm nghiệm, đánh giá đúng bản chất vai trò, vị trí của sự kiện trong tiến trình lịch sử dân tộc và khu vực, thế giới. Gạc Ma cũng là một sự kiện như vậy, và vì đây là một sự kiện tương đối phức tạp, phải nghiên cứu rất cẩn trọng".

Hơn nữa,  theo GS Tung, việc công bố kết quả nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhận thức lịch sử của toàn xã hội. "Việc 30 năm sau chúng ta mới công bố sự kiện Gạc Ma trong sách giáo khoa và giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới càng phải cẩn trọng hơn, đảm bảo tính khách quan, trung thực. Đó là nguyên tắc cơ bản, tuyệt  đối cần tuân thủ cho bất cứ công trình nghiên cứu hay giảng dạy lịch sử nào", GS Tung nhận định.

Sự kiện Gạc Ma sẽ có ở 3 nội dung

Học từ cấp THCS

Theo GS Tung, Gạc Ma là sự kiện còn có những điểm cần phải tiếp tục tìm hiểu, dự kiến sẽ được đưa vào 3 chỗ của Chương trình lịch sử phổ thông mới.

Thứ nhất là hợp phần lịch sử của môn lịch sử và địa lý cấp THCS. Ở học phần này sẽ giúp học sinh tìm hiểu thông sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á. Sự kiện Gạc Ma sẽ đưa vào nội dung lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á từ 1986 đến nay. Sự kiện này sẽ được đặt trong bối cảnh lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực, lịch sử thế giới để xem xét, trình bày.

Thứ hai, ở THCS có một chủ đề tích hợp, dự kiến đặt tên là Biển đảo Việt Nam, có các nội dung là địa lý tự nhiên, kinh tế biển, tài nguyên biển, lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bao gồm lịch sử quá trình khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Trong đó có sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và nói đến tình hình hiện nay.

Sự kiện Gạc Ma không phải hải chiến mà là một vụ thảm sát của Trung Quốc

Điều này để nói lên việc chúng ta khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam với những bằng chứng lịch sử  và pháp lý quốc tế thật sự thuyết phục, chẳng hạn như quyết nghị của Hội nghị hòa bình San Francisco. Tại đây, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu, là đại diện chính thức của Việt Nam, đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và được tuyệt đại đa số các quốc gia (48/51) tham dự Hội nghị thừa nhận.  Như vậy cuộc đấu tranh bảo vệ và thực hiện chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là chính nghĩa, do dó việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đặc biệt dùng vũ lực để thảm sát 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma năm 1988 là hành động trái với chính nghĩa thông thường, trái với công ước và luật pháp quốc tế, chà đạp lên căn cứ lịch sử và pháp lý hiển nhiên.  Đồng thời chúng ta phải bác bỏ một số lập luận của Trung Quốc, rằng nước này làm chủ Biển Đông từ thời Tây Hán.

Điều này cần được hiểu như sau, ngay từ rất sớm, trước cả thời Tây Hán (thế kỷ 2 TCN) có thể có người Hán đã đến Biển Đông, kể cả Trường Sa, nhưng so với người Đông Nam Á (bản địa) và với thương nhân Ấn Độ thì sự có mặt và ảnh hưởng của người Hán là vô cùng mờ nhạt.  Người Ấn Độ đến buôn bán và mang văn minh sang truyền bá ở khu vực Đông Nam Á. Họ tương tác sâu sắc với cư dân bản địa ở đây và để lại dấu vết văn hóa, văn minh vô cùng sâu rộng, ưu trội hơn hẳn ảnh hưởng của người Hán. Vậy mà có ai coi đó là dấu tích để người Ấn Độ đòi hỏi "chủ quyền" của họ ở Biển Đông và Đông Nam Á đâu!

Ở phần thứ 3 Gạc Ma sẽ được dạy trong cấp THPT với hai chủ đề là lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ tổ quốc và chủ đề Biển đảo Việt Nam. Ở cấp học này, học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc, rút ra bài học xuyên suốt lịch sử. Đất nước ta là một quốc gia đất không rộng, người không đông, kinh tế chưa phải là mạnh, nhưng thường xuyên phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hung hãn. Vì vậy phải bảo vệ tổ quốc bằng sức mạnh đoàn kết của toàn dân, của sự kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Nguồn: thanhnien

 

Thảo luận