Thị trường Việt Nam có “dậy sóng” sau cuộc đổ bộ của Amazon?

Việc "gã khổng lồ" Amazon chính thức đổ bộ vào Việt Nam khiến các mặt hàng "Made in Vietnam" "sốt ruột" tìm chỗ đứng.
Sputnik

Cuộc đổ bộ của các "ông lớn"

Việc Amazon cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ tháng 3/2018 được đánh giá là tín hiệu tốt cho thị trường thương mại điện tử. Theo đó, thị trường sẽ cạnh tranh hơn và người dân sẽ thuận tiện hơn trong mua bán hàng hóa.

Thương mại điện tử là tương lai quan hệ kinh tế và thương mại Nga-Việt

Đây được xem là cơ hội để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa qua hệ sinh thái của Amazon. Các mặt hàng "Made in Vietnam" nhờ đó có thể đến tay người tiêu dùng quốc tế một cách dễ dàng hơn.

Trước Amazon, hàng loạt ông lớn thương mại điện tử đã nhìn thấy tiềm năng ở thị trường Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu. Điển hình là Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã thâm nhập vào Việt Nam với việc mua lại trang mua sắm trực tuyến Lazada.

Bên cạnh đó, trang thương mại điện tử Shopee, cũng nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á.

Mới nhất, tháng 1 năm nay, JD.com cũng trở thành cổ đông lớn khi rót cả nghìn tỷ đồng vào Tiki.vn. Như vậy, cộng với với sự gia nhập chính thức của Amazon, 3 trong số 4 "đại gia" lớn nhất thế giới về thương mại điện tử đã có mặt tại Việt Nam, với những chiến lược giành thị phần khác nhau. Đây đều là những cơ hội để các doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng thông qua một hình thức mua sắm mới ngày càng được ưa chuộng.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam, với hơn 93 triệu dân, được đánh giá sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025, chắc chắn sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt của các "đại gia" công nghệ, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về công nghệ, tài chính, quản trị.

Doanh nghiệp Việt được gì?

Một cặp vợ chồng lừa dối cửa hàng trực tuyến Amazon cho hơn 1 triệu đô la
Mới tham gia xuất khẩu hàng hóa qua trang Alibaba khoảng 1 năm nhưng Công ty TNHH Cơ khí Nam Sơn đã bắt đầu thu được những thành quả đầu tiên, đó là mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm sang thêm được 4 nước châu Á. Theo ông Đỗ Thanh Sơn, giám đốc công ty, để có thể bán hàng trên Alibaba, công ty phải bỏ ra chi phí khoảng 2.000 USD tương đương khoảng 45 triệu đồng một năm nhưng so với cái lợi thu về, ông cho là xứng đáng.

Trước khi Amazon thông báo đổ bộ vào thị trường Việt Nam, Công ty May 10, thông qua hệ sinh thái của đại gia thương mại điện tử này, thậm chí còn xuât khẩu được theo hình thức B2C (bán hàng cho người dùng cá nhân).

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc công ty May 10 khẳng định, công ty coi đây là chiến lược dài hạn vừa đúng xu thế của câu chuyện bán lẻ hiện đại ngày nay vừa là câu chuyện cắt giảm chi phí doanh nghiệp.

"Với khoản chi phí tiết kiệm được chúng tôi có thể làm thương hiệu một cách nhanh nhất và cũng là con đường ngắn nhất đến tay người dùng", ông Việt chia sẻ.

Lãnh đạo công ty May 10 còn cho biết thêm, xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng. Các chuyên gia tính toán lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần khi xuất khẩu theo hình thức B2C trực tiếp tay người dùng.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Alibaba Việt Nam khẳng định những gì mà Alibaba làm ở Việt Nam mới chỉ là bước đầu. Mục tiêu trong tương lai mà Alibaba Việt Nam hướng đến là khách hàng có thể thực sự thực hiện thương mại điện tử như một dịch vụ hoàn thiện.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn — CEO Tiki không tỏ ra lo lắng về những đối thủ tầm cỡ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ông Sơn cho rằng, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho doanh nghiệp thương mại điện tửtrong nước. Tiki cũng đang phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.

Đâu là thách thức?

Bên cạnh rất nhiều lợi ích khi xuất khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử hàng đầu như Amazon, hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt.

Ông André Aslund, chuyên gia thương mại điện tử và chiến lược marketing của Vorwärts GmbH (Đức) cho biết, một trong những thách thức của doanh nghiệp Việt khi bán hàng qua những trang thương mại điện tử lớn là phải làm thỏa mãn khách hàng về chất lượng và thiết kế sản phẩm.

Ngoài ra, để bán được hàng và tăng doanh số, theo ông André Aslund, các doanh nghiệp cần quan tâm đến tiếp nhận phản hồi, hay dịch vụ hỗ trợ khách hàng hậu mãi.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết, chiến lược của Amazon gồm 2 bước. Thứ nhất là xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Thứ hai là nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, trong khi Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại.

Năm 2017, Amazon Web Services (công ty con của Amazon) đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ hạ tầng trên điện toán đám mây dựa trên nền tảng công nghệ phía sau do Amazon sở hữu.

Hiện tại chưa rõ chiến lược của Amazon với Việt Nam là gì nhưng rõ ràng, với sự góp mặt của ông lớn này, thị trường thương mai điện tử Việt Nam sẽ sôi động hơn. Cho dù có thách thức, nhưng rõ ràng, với nhiều triệu USD được đổ vào, thời gian khai phá thị trường đầy tiềm năng này đang được rút lại rất ngắn. Đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thương mai điện tử trong nước phát triển.

Theo tính toán của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Theo: VOV, Trí Thức Trẻ, Báo Đầu Tư

Thảo luận