Gạc Ma khắc cốt ghi tâm: Cựu binh ngày trở về

Sau những giờ phút sinh tử ở đảo Gạc Ma, các cựu binh có người nay đã qua đời vì bạo bệnh, số còn lại vẫn đang sống trong cảnh bần hàn, chật vật mưu sinh
Sputnik

Một ngày giữa tháng 3, ông Nguyễn Văn Chương (SN 1958; ngụ thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) chuẩn bị vài bộ quần áo rồi đón xe xuống TP Đà Nẵng tham dự chương trình "Biển gọi" kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma.

Làm đủ nghề kiếm sống

Sau sự kiện Gạc Ma, cuối năm 1988, ông Chương về đất liền rồi lập gia đình với bà Mai Thị Hoa (SN 1961) — người ông quen trong một lần về phép. Đến năm 1991, ông ra quân.

Ngày trở về, ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ làm rẫy đến bảo vệ cho một đơn vị gần nhà. Năm 2017, khi đã lớn tuổi, ông được cho nghỉ việc nhưng do không đủ thời gian đóng BHXH nên chỉ được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Vợ ông nay đã nghỉ hưu, bệnh tật triền miên do bị tai biến nhiều năm. Gia đình ông có 2 người con, một người làm việc tại tỉnh Đắk Nông, còn một người đang dạy hợp đồng cách nhà 12 km.

Còn ông Trương Văn Hiền (SN 1968; ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị quân Trung Quốc bắt trong cuộc đụng độ Gạc Ma. Đến cuối năm 1991, ông được trao trả tù binh, về lại đơn vị đo đạc hải đồ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phục vụ 1 năm nữa rồi xuất ngũ. Năm 1993, ông Hiền lưu lạc vào Đắk Lắk làm thuê kiếm sống, lập gia đình với bà Bùi Thị Phượng và có 2 người con.

Ông Trương Văn Hiền phải làm đủ nghề để kiếm sống

Hằng ngày, ông Hiền đi làm thợ hồ còn bà Phượng do bị thoát vị đĩa đệm, đau ốm triền miên nên ở nhà. Bởi gia đình khó khăn nên con trai đầu của ông Hiền phải bỏ học năm lớp 11 để theo cha đi phụ hồ. Mới đây, trong 1 lần đi làm thuê về, ông Hiền bị tai nạn giao thông, gãy chân, cuộc sống lại càng túng thiếu.

Trong trận thảm sát, ông Hiền bị gãy 1 sườn phải, 1 tay trái, 1 mắt trái bị thương tích, hiện nay mờ nhòe, nhiều mảnh đạn găm vào chân, giờ vẫn chưa lấy ra. Riêng tay bị gãy trước đây không được bó bột nên giờ chèn dây thần kinh rồi teo dần. Bác sĩ khuyên ông đi TP HCM phẫu thuật bó lại nhưng nhà không có tiền. Năm 2016, ông Hiền đã nhiều lần tới cơ quan chức năng để xin làm chế độ thương binh. Tuy nhiên, giám định lần đầu, ông Hiền đạt kết luận tỉ lệ thương tật mới 12%, chưa đủ tiêu chuẩn làm thương binh. Sau khi được hướng dẫn làm chế độ bệnh binh, ông tiếp tục mang hồ sơ đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

"Tôi mong muốn được giám định lại thương tật để làm chế độ chứ giờ sức đã suy yếu, đau ốm triền miên, không lâu nữa tôi sẽ không đủ sức để làm thợ hồ" — ông Hiền chia sẻ.

Cựu binh Nguyễn Sỹ Minh — nguyên trợ lý chính trị Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, người trực tiếp chỉ huy công binh xây dựng tại Gạc Ma — cho biết sau sự kiện Gạc Ma, ông được phục viên làm trưởng đoàn đưa cán bộ đi hợp tác lao động tại nước Đức. Sau khi lao động nước ngoài về, ông sống tại TP Bắc Ninh. Ông mưu sinh nhiều nghề như làm thuê, phụ hồ.

"Nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống thì còn rất nhiều gia đình khó khăn còn hơn tôi. Thôi kệ, tới đâu thì tới!" — cựu binh Gạc Ma nói.

Mãi nhớ Dũng "Gạc Ma"

Trong số 7 người lính Gạc Ma năm ấy của Hòa Cường, Đà Nẵng chỉ có duy nhất một người sống sót là cựu binh Dương Văn Dũng (SN 1968).

Sau 4 năm bị giam cầm ở Trung Quốc, cựu binh Dũng tìm về nhà ở Hòa Cường. Vừa thấy ông, cả nhà òa khóc vì không tin được Dũng vẫn còn sống. Ông rưng rưng tiến đến bàn thờ gia tiên, nhìn bức ảnh của chính mình sau làn khói hương nghi ngút.

Rồi ông lấy vợ, có 3 người con. "Nói tới Dũng là tôi đứt từng khúc ruột. Cuộc đời hắn cực mãi cho tới khi nhắm mắt. Năm 2011, nhà Dũng thuộc diện giải tỏa và cả gia đình đưa nhau lên Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng — PV) sinh sống. Vì không có tiền thuê thợ, Dũng đã tự mình xây một ngôi nhà cấp 4 khang trang cho đến khi hoàn thiện. Tôi sống bên cạnh, nhiều lần chứng kiến Dũng bữa đói bữa no" — bà Hồ Thị Nhi, hàng xóm của ông Dũng, nhớ lại.

Đồng đội quây quần bên người cựu binh Dương Văn Dũng

Cũng năm 2011, ông như chết đi lần thứ 2 khi nghe tin con trai đầu lòng 18 tuổi bị tai nạn giao thông qua đời. Năm 2015, tai họa lại ập đến. Trong một lần khám bệnh, bác sĩ thông báo ông bị ung thư hạch giai đoạn cuối.

Đến cuối đời, ông vẫn ước ao được gặp lại các đồng đội đã bị chia cắt vì cuộc sống khó khăn. Và rồi, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa đã tổ chức cho ông Dũng một buổi gặp mặt ngay tại giường bệnh. Chiều muộn 19-11-2016, các cựu binh Nguyễn Văn Nhân (tỉnh Hà Nam); Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông (Quảng Bình); Trần Thiên Phụng (Quảng Trị); Lê Minh Thoa (Bình Định); Trương Văn Hiền (Đắk Lắk) tề tựu trong một căn phòng nhỏ mà Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bố trí. Họ khoác trên người tấm áo lính hải quân và chờ đợi giây phút được gặp lại người đồng đội can trường.

Khi y tá dẫn ra khỏi phòng bệnh, ông Dũng cứ ngỡ mình sẽ được đưa đến phòng hóa trị để truyền hóa chất. Cánh cửa phòng mở ra, người cựu binh rắn rỏi đã trải qua nhiều cơ cực, biến động trong đời òa khóc. Trước mắt ông là những gương mặt quen thuộc đã kề vai sát cánh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa. Đồng đội ào đến ôm chầm lấy Dũng, quây quần bên nhau như một "vòng tròn bất tử" giữa bệnh viện.

Giây phút ngắn ngủi đó có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người cựu binh bất hạnh. "Các cựu binh Gạc Ma năm ấy trở về, ai cũng vất vả và Dũng có lẽ là đứa gặp nhiều khổ sở nhất. Thế nhưng, anh em ai cũng phục Dũng vì nó luôn mỉm cười. Dù Dũng đã ra đi nhưng trong tim chúng tôi vẫn mãi nhớ đến cái tên Dũng "Gạc Ma" — cựu binh Hiền xúc động.

Ngày 26-2-2017, người cựu binh ấy từ giã cõi trần. Đồng đội của ông một lần nữa vượt hàng trăm cây số đến viếng tang bạn. Họ không còn nước mắt để khóc nữa. Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988 ở Đà Nẵng, cho hay ban liên lạc đã vận động được hơn 200 triệu đồng làm quỹ nuôi 2 con gái ông Dũng ăn học. Hiện nay, con gái lớn của ông đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và xin được việc làm, con gái nhỏ đang học lớp 9. Vợ ông Dũng cũng không còn buôn thúng bán bưng nữa mà chuyển sang bán hàng ở chợ đầu mối.

Nguồn: nld

Thảo luận