Kỷ nguyên mới: Việt Nam là "chìa khóa" cho Australia vào ASEAN và Biển Đông?

Theo Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới quan hệ của Việt Nam và ASEAN với Úc khi lợi ích của hai bên ngày càng tương đồng.
Sputnik

Hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi đến thủ đô Canberra chiều 14/3 là thăm Đại học Quốc gia Úc (ANU). Được thành lập năm 1946, ANU là trường duy nhất ở Úc được lập theo Đạo luật của Quốc hội liên bang. Đây là trường đại học có thế mạnh về nghiên cứu và là một trong 10 trường đại học nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. ANU hiện có hơn 12.000 sinh viên trong nước và quốc tế. Nhiều cựu sinh viên trở thành chính trị gia nổi tiếng, trong đó hiệu trưởng hiện nay từng là Ngoại trưởng Úc nhiều năm, hay Phó Hiệu trưởng từng đoạt giải Nobel.

Truyền thông Úc bình luận về quan hệ Việt Nam - Australia

Tại buổi gặp gỡ, Hiệu trưởng ANU Gareth Evans đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở gần như lớn nhất trên thế giới, sánh ngang với Singapore. Hệ thống trật tự kinh tế dựa trên luật lệ và cởi mở đang bị đe dọa. Do vậy, lợi ích chiến lược của cả Úc và Việt Nam là duy trì một trật tự kinh tế như vậy, ông Evans nói. Về triển vọng hợp tác giáo dục giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn ANU tiếp tục mở rộng liên kết với các cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên. Thủ tướng thông báo, trong dịp này, Việt Nam và Úc sẽ ký thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai chính phủ giai đoạn 2018-2023 với mục tiêu và phương hướng hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Trong cuộc trao đổi bàn tròn với lãnh đạo ANU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo chiếm ưu thế tốt nhất. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam theo học ở Úc, cao nhất trong số các nước trên thế giới có sinh viên Việt Nam theo học. Điều đó nói lên sự tín nhiệm của phụ huynh và sinh viên Việt Nam đối với các trường đại học của Úc. Ngoài ra, có 60.000 cựu sinh viên, du học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp ở Úc và về công tác tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, nguồn nhân lực được đào tạo tại Úc là những viên gạch rất vững bền cho mối quan hệ tốt đẹp Việt-Úc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull

Quan hệ chiến lược Việt Nam – Australia: Không chỉ là kinh tế mà còn cả vũ khí quân sự?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Úc đối với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu. Hai nước đã hợp tác tại nhiều diễn đàn đa phương và cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại, đầu tư tại khu vực mà mới đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai nước cũng chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề liên quan gìn giữ hòa bình, bảo đảm an ninh khu vực, trong đó có biển Đông.

Lợi ích ngày càng tương đồng

Trả lời hãng tin Fairfax Media về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, trong chuyến thăm chính thức Úc lần này, hai bên sẽ ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Úc, tạo khuôn khổ chính trị và pháp lý để nâng tầng quan hệ hai nước trong thời gian tới. Việc hai nước nâng cấp quan hệ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Để đưa quan hệ phát triển tương xứng với tính chất chiến lược, hai nước cần tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Riêng trong trụ cột chính trị — ngoại giao và quốc phòng — an ninh cần tập trung vào các nội dung: tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau thông qua các chuyến thăm; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; về quốc phòng — an ninh, hai bên cần triển khai tích cực hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực theo các thỏa thuận đã đạt được.

Về câu hỏi liệu Úc và ASEAN có thể cùng nhau giải quyết căng thẳng trên biển Đông hay không và Việt Nam có xem xét khả năng hợp tác chung về tự do hàng hải với các bên khác không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển Đông, nơi có tuyến hàng hải lớn toàn cầu đi qua, là lợi ích và mục tiêu chung của tất cả các nước. Điều quan trọng là các nước cần có đóng góp tích cực vào mục tiêu chung này, không có các hành động gây căng thẳng hoặc làm gia tăng căng thẳng, giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại, bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Từ lâu nhòm ngó: Sự cảnh giác của Việt Nam, ASEAN và học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc"
Cả Úc và ASEAN đều có vị trí, vai trò quan trọng ở khu vực. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trên tinh thần đó, Việt Nam và Úc đã và đang hợp tác chặt chẽ, nhất là thông qua các cơ chế của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông nói riêng và khu vực nói chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, việc nâng cấp quan hệ Việt — Úc diễn ra vào thời điểm các ưu tiên chiến lược của hai nước ngày càng tương đồng. Ông Turnbull nhấn mạnh, hợp tác an ninh và quốc phòng sẽ là trọng tâm của quan hệ được nâng cấp với Việt Nam. Thủ tướng Turnbull cho biết, hội nghị ASEAN — Úc lần này sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh thay vì hợp tác kinh tế. "Úc và ASEAN là các đối tác thương mại và chiến lược gần gũi, và Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt là một cơ hội để giúp khu vực của chúng ta an toàn và thịnh vượng hơn", Financial Review dẫn lời ông Turnbull.

"Cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Úc với Đông Nam Á. ASEAN là một trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Úc, và chúng ta đang hợp tác mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa an ninh ở khu vực", Thủ tướng Úc nói.

Sau các hoạt động tại Canberra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến Sydney để tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN — Úc.

Theo: Tiền Phong

Thảo luận