9 năm trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam (1997-2006), người con ưu tú của đất thép Củ Chi đã để lại rất nhiều những dấu ấn khó quên.
Cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế
Là người được đào tạo bài bản về kinh tế, từng đảm nhiệm nhiều công việc chuyên trách về kinh tế (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng theo học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên Xô. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng. Sau đó, ông vào làm Ban kinh tế của Trung ương Cục, đi B và sau năm 1975 thì làm việc tại Ủy ban Kế hoạch của TP. HCM)… nên không mấy ngạc nhiên khi địa hạt mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quan tâm nhất đồng thời cũng gặt hái được nhiều thành công nhất là kinh tế.
Nhưng để thấy được tài năng của "ông Sáu Khải" (tên gọi thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) phải thấy rõ được bối cảnh vô cùng khó khăn của nền kinh tế đất nước vào thời kỳ đó. Ông Phan Văn Khải được bổ nhiệm làm Thủ tướng, kế vị ông Võ Văn Kiệt giữa lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á và thế giới.
Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo. Tuy nhiên, với tài chèo lái của mình, vị "thuyền trưởng" tài ba đã dẫn dắt con thuyền Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong khoảng thời gian từ 1997-2006. Năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên Thủ tướng là người được đào tạo bài bản và cầu thị nên trong chính sách phát triển của mình ông tỏ ra rất chuyên nghiệp, với tầm nhìn dài hạn.
Điểm nhấn kinh tế lớn nhất trong 9 năm đứng trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của "ông Sáu Khải" chính là việc kiên trì cải tổ thể chế kinh tế, mà thành công lớn nhất là việc "khai sinh"bằng được Luật Doanh nghiệp năm 1999. Chính ông trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và chính ông đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội.
Sự kiện này đánh dấu một chặng đường 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam mới có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Kinh tế tư nhân nhờ đó cũng được thổi luồng sinh khí mới. Số doanh nghiệp đã phát triển mạnh sau những năm đầu tiên, góp phần giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chính và khu vực.
Theo hồi ức của TS Lê Đăng Doanh, ngày ấy, sau khi có Luật Doanh nghiệp, lần đầu tiên Thủ tướng lập Tổ công tác của Chính phủ về triển khai Luật và giảm các giấy phép con. "Chúng tôi làm việc, xem xét phát hiện rất nhiều quy định hạn chế quyền của doanh nghiệp như: đánh máy chữ cũng phải 3 tháng phải xin phép 1 lần; nhặt giấy vụn, vẽ tranh truyền thần phải xin phép; doanh nghiệp tư nhân không được đóng sà lan 20 tấn… Chúng tôi đã phát hiện gần 600 giấy phép con và trình lên Thủ tướng, ông Khải sau đó đã ký lệnh bãi bỏ 286 giấy phép con (gần 1 nửa giấy phép con) và làm cho kinh tế tư nhân bùng lên sau này"- TS Lê Đăng Doanh nhớ lại.
Với các chuyên gia từng là thành viên Ban Nghiên cứu, nguyên Thủ tướng luôn là người rất am hiểu và tôn trọng ý kiến của chuyên gia, đặc biệt là tiếng nói ngược đối với các chính sách hoặc quan điểm kinh tế. Bà Phạm Chi Lan, người có mặt trong cả Tổ tư vấn đổi mới và Ban nghiên cứu sau này kể lại: các thành viên đều có tài sản rất lớn là chế độ "5 không": không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.
Quyết tâm hội nhập
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải như một người Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này.
Chính vị Thủ tướng được mệnh danh là "nói ít hơn làm" này đã là người trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam — Hoa Kỳ (BTA) ký chính thức năm 2001, trở thành bước chuyển mới trong hội nhập quốc tế, bởi Hiệp định này là trên các nguyên tắc của WTO, từ đây giúp Việt Nam tăng tốc gia nhập với WTO hơn.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, có cuộc gặp được đánh giá là lịch sử với Tổng thống W. Bush tại Nhà Trắng vào năm 2005. Là chuyến thăm lịch sử bởi chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm đó là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương Việt — Mỹ sau 10 năm bình thường hoá, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Chuyến thăm được xem đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, giúp Việt Nam rút ngắn thời gian trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo CLO