Nhìn chung, đây là thời kỳ cơ chế thị trường có điều kiện để phát triển trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp với mở cửa, hội nhập với quốc tế, là điều kiện để sản xuất hàng hóa phát triển tốt. Thời kỳ này tăng trưởng nông nghiệp cao và ổn định nhất từ trước, với mức tăng trưởng trên 4,4% kéo dài suốt trong 8-9 năm. Những cây trồng như lúa, cà phê, đặc biệt là thủy sản tăng rất mạnh. Suốt giai đoạn cầm quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2 lần, giá trị xuất khẩu nông sản tăng gần gấp 3 lần, đặc biệt là thủy sản.
Đây là những chia sẻ của TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
PV: Theo ông, trong những năm trên cương vị đứng đầu Chính phủ thì Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải đã có những quyết sách gì tạo ra sức bật, cơ hội cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam?
TS Đặng Kim Sơn: 9 năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải là giai đoạn rất đặc biệt của Việt Nam. Đây là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam thực hiện đàm phán, ký kết tham gia rất nhiều hiệp định thương mại để mở cửa tự do hóa thị trường. Thời kỳ này, chúng ta bắt đầu phát triển một nền kinh tế chuyển sang quá trình công nghiệp hóa, trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang dần công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nét nổi bật kinh tế thời kỳ này là mở ra thị trường thông thoáng cho sản xuất hàng hóa, trước đó xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam được kiểm soát rất chặt. Đến năm 2000, hạn ngạch lúa gạo xuất khẩu được bỏ, nhập khẩu phân bón trở nên dễ dàng, nhiều thủ tục được loại bỏ, tín dụng cho nông dân tăng rất mạnh và trong sở hữu đất đai tốc độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai được đẩy mạnh, đất trở thành thị trường sôi động.
Một điểm đáng chú ý ở thời kỳ này là bắt đầu trồng lại rừng, phát triển việc làm cho đồng bào ở miền núi trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng trong Chương trình 327 cũng được đẩy mạnh.
TS Đặng Kim Sơn: Điểm quan trọng nhất trong 9 năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải là mở cửa thị trường cho xuất khẩu. Việc này hoàn toàn không đơn giản, Việt Nam vừa đi qua giai đoạn lương thực không đủ ăn, mối lo thường xuyên về đảm bảo an ninh lương thực, nền sản xuất luôn tập trung cho lúa gạo.
Từ cơ chế quản lý rất chặt xuất khẩu lúa gạo, chuyển sang một nền kinh tế đa dạng hơn, phát triển mạnh về thủy sản, cây công nghiệp, nhất là cà phê, cao su, hồ tiêu. Đây là sự thay đổi về tư duy rất quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới về quy hoạch, đổi mới trong việc quản lý các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với bên ngoài. Bên cạnh đàm phán đấu tranh với đối tác quốc tế, có cả các cuộc đấu tranh trong nội bộ.
Đó là sự thay đổi trong quản lý, phân cấp, phân quyền từ tay các công ty quốc doanh sang cho toàn bộ thành phần kinh tế. Việc nắm giữ thủ tục, giấy phép con của các cơ quan công quyền bị xóa bỏ, cơ quan công quyền chuyển sang công tác quản lý thành những người phục vụ dịch vụ cho người dân. Cuộc đấu tranh này hoàn toàn không dễ dàng gì, có lúc thành công có lúc thất bại nhưng trong suốt quá trình Thủ tướng Phan Văn Khải làm đã có những bước tiến đáng kể.
PV: Có những cơ hội được gặp, làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải, ông thấy điều gì khiến Thủ tướng băn khoăn, trăn trở nhất đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thưa ông?
TS Đặng Kim Sơn: Vào thời gian cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải có một lần ông mời tôi đến nhà riêng và ông trao đổi với tôi về những băn khoăn về phát triển nông thôn. Ông nói rằng nông nghiệp lúc này đã là nền sản xuất hàng hóa khá tốt, thế nhưng tại sao một vùng như quê của ông ở Củ Chi (ngoại thành TP HCM) là một nơi thuận lợi về thị trường, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì đầu tư về cơ sở hạ tầng rất tốt, nhưng nông nghiệp không phát triển. Thực trạng là đất vẫn bỏ hoang và đặc biệt thu nhập của nông dân không cao. Người dân không tập trung vào phát triển sản xuất, không chuyển đổi được từ nông nghiệp sang ngành nghề khác một cách hiệu quả. Thủ tướng hỏi tôi tại sao có tình trạng như thế?
Tôi cũng báo cáo thẳng thắn với Thủ tướng, thật sự là khó có thể chuyển được từ giai đoạn đói sang đủ ăn, khó hơn nữa là chuyển từ đủ ăn sang xuất khẩu. Tuy vậy, câu chuyện quyết định thành bại về lâu dài là phải nâng cao được thu nhập của người nông dân, tạo cơ hội và nông dân phải nghĩ đến làm giàu. Đây là quá trình quyết định để công nghiệp hóa thành công. Nếu chỉ trông cậy vào mở rộng cơ chế thị trường, tháo gỡ vướng mắc thì không đủ.
Lúc đó, Thủ tướng nói đây là một quyết sách, một sự thay đổi về tư duy mà vượt qua khỏi phạm vi của Chính phủ, nó đòi hỏi sự thay đổi về chiến lược, đường hướng của cả Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Nhưng nếu thực sự tiến được con đường đó thì đất nước chúng ta có cơ hội để phát triển và một làng quê nhỏ như Củ Chi mới có thể làm giàu được đúng như tiềm năng của nó. Tôi nghĩ rằng đây là tâm tư, nguyện vọng, khát vọng hết sức đúng đắn. Vài năm sau thì Đảng ta bàn và ra Nghị quyết Trung ương 26 về nông nghiệp — nông dân — nông thôn và đến năm nay là tròn 10 năm.
"Cảm nghĩ của tôi và những anh em có dịp gắn bó, làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải là thái độ kiêm tốn, lắng nghe, sự gần gũi, bình dân và rất thiết thực. Điều gì làm được là làm, việc gì không làm được Thủ tướng cũng nói cái này khó, cần có thời gian thêm. Điều quan trọng nhất là cái gì mà ông đã quyết tâm làm thì ông luôn đấu tranh, trăn trở làm cho bằng được. Đó là ấn tượng khó có mà có thể quên với người lãnh đạo hết sức gương mẫu, giản dị như Thủ tướng Phan Văn Khải" — TS. Đặng Kim Sơn.
Theo: VOV