Thủ tướng và “chiếc ghế quyền lực” của Chính phủ Việt Nam

Nhắc nhớ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên uỷ viên, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt kể chuyện nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, vỗ vào thành ghế mà dặn đừng bao giờ ham hố cái ghế nhé. Đó là những điều thấm thía với cả ông Phan Văn Khải, ông Phạm Thế Duyệt.
Sputnik

Thông tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần vừa được phát đi. Phải nói lời tiễn biệt với một người đồng chí cùng thế hệ, có thời gian dài đồng hành có khó khăn với ông?

Việc anh Khải mất đối với tôi không phải đột ngột. Tôi biết anh ốm từ thời gian trước và cách đây ít lâu, tôi cũng đã vào bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thăm anh. Đó là trước khi anh đi Singapore chữa bệnh, dù khá yếu, nằm trên giường bệnh nhưng anh vẫn hồ hởi bắt tay tôi. Anh còn yêu cầu các y bác sĩ vực anh dậy để ngồi nói chuyện với tôi. Khi đó anh đã yếu, mệt nhiều nhưng vẫn cười luôn khi cùng nhắc lại những chuyện cũ.

Năm ngoái, có công việc vào Sài Gòn thì tôi cũng đến chơi với anh tại căn nhà ở Củ Chi. Chúng tôi đã có những năm tháng dài, trong công việc với rất nhiều tâm đắc, chia sẻ.

Tôi với anh Khải cùng vào Bộ Chính trị năm 1991 mà việc "trúng" Bộ Chính trị cũng rất đặc biệt. Hôm trước vào Củ Chi thăm anh, chúng tôi cũng nhắc lại chuyện đó và cả hai ngồi cười với nhau. Đó là chuyện của Đảng nhưng cũng là kỷ niệm đáng nhớ với 2 anh em chúng tôi.

Chiều hôm trước khi đưa danh sách giới thiệu để bầu Bộ Chính trị thì có tên cả 2 chúng tôi. Nhưng sáng hôm sau khi công bố chính thức trước TƯ thì không có tên cả 2 chúng tôi. Tôi bảo thôi, cả vị trí Bí thư Hà Nội của tôi và Phó Thủ tướng của anh khi đó đều không đòi hỏi uỷ viên Bộ Chính trị. Nhưng không ngờ ra TƯ, cả hội nghị ầm ầm và cuối cùng thì quyết định sáng hôm đó không tiến hành bầu nữa mà phải về thảo luận, giới thiệu danh sách lại. Đến buổi chiều thì tên cả 2 chúng tôi có lại trong danh sách và khi đưa ra bầu thì cùng trúng.

Đó là một kỷ niệm mà mỗi lần nhắc lại anh Khải chỉ cười.

Như vậy là ông và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có tới 3-4 khoá uỷ viên Trung ương, ít nhất 2 khoá tham gia Bộ Chính trị cùng nhau. Ngần ấy thời gian công tác, điều gì ở người đồng chí của mình làm ông nhớ nhất?

Anh Khải là cán bộ miền Nam ra tập kết ra Bắc. Đúng là chúng tôi có 4 khoá cùng tham gia TƯ, nếu tính cả thời gian tôi phụ trách Mặt trận tổ quốc thì thời gian có đến 5-6 khoá và ở môi trường nào chúng tôi cũng có những gắn bó.

Trước hết, phải nói anh Khải là người hết sức chân thật, gần gũi, xử sự giữa con người rất giản dị, thật tâm. Trong công việc, ông đã từng giữ các chức vụ Chủ nhiệm UB Kế hoạch, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng Chính phủ và luôn rất bình dị, chân thành, gần gũi nhưng vẫn thẳng thắn và đó là cái thẳng thắn của một con người trí thức, đối xử rất công bằng.

Chuyên gia Nga: Ông Phan Văn Khải trăn trở vì đất nước và muốn hợp tác với Nga

Tôi rất quý đức tính đó ở anh Khải. Với một người lãnh đạo cấp cao, điều đó không phải ai cũng có được, sự chân thành, gần gũi với anh em đồng chí, không có cách đối xử theo kiểu bề trên, trịnh thượng.

Về trình độ, anh Khải là cán bộ được đào tạo bài bản, một người được tập kết, đưa ra Trung ương từ sớm, được tạo điều kiện để đi học tập, đào tạo tại Liên Xô về lĩnh vực quản lý, rồi cũng kinh qua nhiều công việc quan trọng theo hướng để bồi dưỡng nhân tố tốt cho bộ máy.

Ở mọi cương vị công tác, anh Khải luôn làm các nhiệm vụ một cách chỉn chu, nghiêm túc. Khi trở lại Trung ương năm 1982, anh đã có độ chín, đã được thử lửa, đi lên bằng quá trình thực tiễn, bằng những hiểu biết thực tế chứ không phải bằng những bằng cấp, bằng sự khoa trương, hình thức.

Với đồng chí ngang cấp thì sao, thưa ông?

Chúng tôi có cả một quá trình nhiều năm công tác và không có gì phải ân hận trong việc phối hợp hoạt động. Khi tôi làm Bí thư thành uỷ Hà Nội thì anh làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Việc của Thủ đô luôn gắn bó với trung ương, mọi khó khăn gì đều có sự giúp đỡ của TƯ nói chung mà anh Khải là người trực tiếp phụ trách vì khi đó anh ấy là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, là người cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt điều hành công việc. Từ đó, ý thức với nhân dân, với thủ đô, với đất nước của chúng tôi rất thống nhất với nhau, có khó khăn thì anh em cũng bàn bạc, tháo gỡ.

Đến khoá VIII, tôi làm Thường trực Bộ Chính trị, anh ấy là Thủ tướng Chính phủ là giai đoạn có nhiều điều kiện gần gũi thường xuyên, gắn bó, cọ sát với nhau, cùng nhau quyết định nhiều vấn đề. Tôi đánh giá anh Khải rất cao ở ý thức phối hợp, sự đoàn kết, chân thành. Tôi và anh ấy hay tâm sự với nhau là đừng để người ta nói với sự phân biệt "nhà trắng", "nhà đỏ", tức giữa Chính phủ và Đảng mà phải gắn bó, trách nhiệm.

Chúng tôi hay cười vui tâm sự, việc điều hành của Chính phủ, thẩm quyền của Thủ tướng thì anh cố mà làm, làm quyết liệt, không phải do dự nhưng việc gì còn băn khoăn vì thấy hệ trọng, không quyết được ngay thì cứ "quẳng" sang tôi, cùng trao đổi, bàn bạc thì khi đó tôi, tập thể thường vụ Bộ Chính trị cùng chịu trách nhiệm.

Tâm niệm như thế nên trong đối nội đối ngoại, chiến lược kinh tế xã hội, vấn đề hội nhập, bàn thảo việc cắm mốc biên giới với Trung Quốc, giải quyết xử lý những khó khăn phát sinh khi tình hình cả thế giới phức tạp, xử lý vấn đề tiền bạc trong khủng hoảng tài chính… đều vượt qua được. Các công việc anh Khải đều làm rất chỉn chu, không sợ trách nhiệm nhưng ngược lại cũng không bao giờ có sự chủ quan, tự mãn về quyền hành của nhà lãnh đạo.

Cả 2 tố chất đó ở anh tôi đều đánh giá rất cao. Con người anh trầm tĩnh, không sôi nổi nhưng rất giỏi.

Việc nào có thể gọi là ghi dấu ấn của cả 2 ông?

Khi giải quyết điểm nóng ở Thái Bình, năm 1997, anh Khải khi đó còn đang làm Phó Thủ tướng Chính phủ, tôi nhớ một buổi tối mời anh Khải, anh Phiêu (nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu) cùng họp để bàn hướng tháo gỡ. Anh Khải luôn chọn những chỗ khó khăn để trực tiếp dự họp, lắng nghe.

Chính vì vậy nên khi tôi đề xuất lập tổ công tác, anh Khải đã rất ủng hộ, và bên Chính phủ cử ngay anh Nguyễn Công Tạn (Phó Thủ tướng — PV) làm Tổ phó tổ công tác của tôi cùng chị Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Thứ trưởng Bộ Tài chính, tổng Cục trưởng Tổng Cục ruộng đất, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát… là những người rất sắc sảo để tham gia giải quyết vấn đề.

Chúng tôi đã về tận xã, huyện để tìm hiểu nguyên nhân người dân bất bình, biểu tình nhiều thế, để đánh giá thực chất xem chuyện cán bộ tham ô, gây bức xúc trong người dân như thế nào. Mọi việc sau đó phải gỡ từ chính sách mới giải quyết được điểm nóng. Hơn 1.000 cán bộ với hơn một nửa thường vụ tỉnh uỷ Thái Bình bị kỷ luật, phải điều chuyển công tác khi đó, đau xót lắm… Cũng qua sự việc mới thấy sự đoàn kết, gắn bó đáng quý trong Bộ Chính trị khi đó.

Giai đoạn công tác của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng như thế hệ lãnh đạo khi đó là những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới, rất nhiều thách thức. Ông Khải cũng là người khởi sự cho nhiều vấn đề mới lúc bấy giờ như việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập, bình thường hoá quan hệ với Mỹ… Ông Khải đã thuyết phục Bộ Chính trị thế nào về những vấn đề đó?

Vất vả lắm, như chuyện gia nhập WTO, khi đó ông Khải lúc nào cũng phải mang theo ông Tuyển (Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển — PV) có vấn đề gì gợn lên đều phải trình bày cặn kẽ trước Bộ Chính trị. Rồi cả vấn đề biên giới cũng vậy, như chuyện tranh chấp ở bãi Tục Lãm (Móng Cái), thác Bản Giốc (Cao Bằng), ở đỉnh cao Hà Giang… đều phải bàn kỹ lắm chứ không đơn giản nhưng sau đó thì chủ trương thống nhất rất cao.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người đi trước về nhận thức và hành động

Về đối nội thì lúc bấy giờ cũng nhiều vấn đề gai góc lắm, cũng biết bao nhiêu cán bộ cấp cao, từ Phó Thủ tướng như ông Ngô Xuân Lộc tới Bộ trưởng như ông Lê Huy Ngọ hay Bộ trưởng Y tế khi đó phải thôi…

Cả quá trình đó, anh Khải gánh vác công việc tôi thấy rất tốt, cá nhân tôi rất kinh trọng, đánh giá cao sự đóng góp của anh ấy.

Ở anh Khải không có cái vẻ bề ngoài lừng danh theo kiểu "khua chiêng gõ trống" nhưng nhìn lại cả thời kỳ ấy đã giải quyết bao nhiêu việc, như vấn đề hội nhập, anh ấy là người đi Mỹ đầu tiên, việc tham gia WTO, giải quyết vấn đề cắm mốc biên giới, tham gia ASEAN… Tất cả những việc đó không thể không nói đến công lao đóng góp của anh Khải. Rồi những quyết định mới về vấn đề thuế má như thuế VAT, lúc đó ai hiểu gì đâu nhưng anh ấy đã thuyết phục để bộ máy lãnh đạo Đảng cùng thống nhất làm.

Tôi đánh giá cao vai trò của anh ấy, trầm tĩnh, chắc chắn mà quyết liệt. Cả giai đoạn anh ấy làm Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế đều ở mức cao, vững chắc, chính sách có nhiều điểm tôi cho là rất mạnh dạn. Chính vì thế, TƯ quyết định tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho anh ấy, chúng tôi thấy là rất đúng, xứng đáng.

Không có va chạm nào trong suốt quá trình đó sao, thưa ông?

Sinh hoạt trong Bộ Chính trị chúng tôi khi đó, tình đồng chí chân thành, thẳng thắn lắm, không mang động cơ cá nhân gì. Anh Phạm Văn Đồng đến nhà tôi chơi, khi đó có cả anh Khải, anh ấy vỗ vào thành ghế mà bảo: "Anh Duyệt nhớ nhé, đừng bao giờ mà ham hố cái này nhé". Những câu dăn dạy đó sâu sắc lắm, làm cho mình thấm thía. Tôi tin với anh Khải, anh cũng suy nghĩ thế thôi.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: dantri.com.vn

Thảo luận