Các chuyên gia của Việt Nam và Nga đã nói về tình hình hiện tại và triển vọng phát triển giao lưu văn hoá giữa hai nước. Mối quan hệ này mở rộng thêm cánh cửa của sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta. Những người tham gia tọa đàm bàn tròn nhận định rằng, đến đầu thập niên 90 thế kỷ trước, sự hợp tác văn hoá giữa hai nước chúng ta đã phát triển tích cực. Phát biểu tại cuộc gặp bàn tròn, Đại sứ của Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh nói rằng, khi đó "văn hóa Nga là món ăn tinh thần của người dân Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến tại Nga."
Cho đến đầu những năm 90, những bộ phim Nga đã được chiếu rộng rãi ở Việt Nam, tác phẩm của nhiều họa sỹ Nga đã được trưng bày tại các cuộc triển lãm ở Việt Nam. Nói về ngành điện ảnh Việt Nam, bộ phim "Cánh đồng hoang" đoạt huy chương vàng Liên hoan Phim Matxcơva đã được chiếu rộng rãi khắp Nga. Hơn 900 tác phẩm của các nhà văn Nga và Liên Xô đã được xuất bản ở Việt Nam, và ở Nga đã xuất bản hàng trăm tác phẩm văn học Việt Nam. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, quá trình phát triển giao lưu văn hóa bị đình trệ và hầu như dừng lại vào những năm 90. Sự hồi sinh đã được ghi nhận chỉ vào đầu thế kỷ mới. Bộ văn hoá và các hiệp hội sáng tạo của hai nước, các hội hữu nghị và Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội góp phần đáng kể vào việc khôi phục mối quan hệ này. Nhưng, khối lượng công việc do họ thực hiện vẫn chưa đủ, — những người tham gia cuộc gặp bàn tròn đã lưu ý.
Đánh giá về kết quả tọa đàm bàn tròn trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh nói:
"Đây là một hoạt động bổ ích. Hai nước và hai dân tộc chúng ta có nhiều điểm chung trong lịch sử và văn hoá. Những kết quả đạt được khi Liên Xô còn tồn tại không bao giờ được quên. Ngược lại, chúng ta phải nâng cao mức độ giao lưu văn hoá thậm chí cao hơn. Ví dụ, tận dụng tối đa tiềm năng của Internet và hàng nghìn du học sinh Việt Nam ở Nga, những người biết tiếng Nga. Cần phải làm cho hai dân tộc chúng ta trở thành gần gũi hơn về mặt tinh thần".
Chắc là cuốn sách đã được giới thiệu tại cuộc gặp bàn tròn sẽ giúp đạt được mục tiêu này. Bộ sưu tập các bài viết "Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam" 260 trang do Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga và Viện Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam cùng chuẩn bị được xuất bản bằng tiếng Nga ở Nga và Việt Nam. Trong bộ sưu tập có 10 bài viết của các tác giả Nga và 9 bài viết của các tác giả Việt Nam về nền văn hóa dân gian, nghệ thuật thủ công, về nền kiến trúc, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc truyền thống của Việt Nam, lịch sử các nhóm tôn giáo và giáo phái, về việc tôn kính tổ tiên ở Việt Nam, về bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Bộ sưu tập là kinh nghiệm đầu tiên của Nga trong việc phản ánh toàn diện nền văn hóa Việt Nam. Đây là cuốn sách hữu ích dành cho các chuyên gia và cho tất cả những người Nga quan tâm đến Việt Nam, bao gồm cả khách du lịch. Đặc biệt là sau 2 năm nữa 1 triệu lượt khách Nga có thể chọn Việt Nam là điểm đến du lịch.
Với cuốn sách này hầu như mỗi người đọc sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của mình, - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Phạm Thái Việt nhận xét về bộ sưu tập. — Và ở đây nói không chỉ về những độc giả Nga mà còn về độc giả Việt Nam. Cuốn sách này thực sự giúp hai dân tộc chúng ta hiểu rõ hơn về nhau.
Những người tham gia tọa đàm bàn tròn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva đã làm quen với một bộ sưu tập khác mới gần đây được xuất bản ở St. Petersburg. Trong cuốn sách này có các tài liệu của Hội thảo khoa học kỷ niệm 95 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga.
Trong số các chuyên gia tham gia Hội thảo ở St. Petersburg cũng như tọa đàm bàn tròn ở Matxcơva có cả người Nga và người Việt, — nhà phân tích chính trị Yevgeny Kobelev, một trong những tác giả của bộ sưu tập, cho biết với Sputnik. — Ngày tháng đáng ghi nhớ này là một dịp để suy nghĩ về cuộc sống và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh — Người tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, về những dấu mốc lịch sử trong quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga, hai dân tộc trong nhiều thế kỷ buộc phải đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược, về những sự kiện nổi bật nhất trong biên niên sử quan hệ hữu nghị Nga-Việt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng.
Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh cũng đã tham dự hội thảo ở St. Petersburg. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông nói:
Sự kiện thành công rực rỡ này đã được tổ chức tại Cung điện Smolny, trụ sở của bộ chỉ huy Cách mạng tháng Mười năm 1917, và bây giờ — trụ sở chính quyền thành phố Saint Petersburg. Theo tôi, hội thảo dành riêng cho sự kiện 95 năm trước đây, cũng như tọa đàm bàn tròn tại Matxcơva đều có ý nghĩa sâu sắc trước thềm năm chéo Nga — Việt Nam sẽ được tổ chức vào năm 2019.