Nhiều nhà doanh nghiệp Đức hy vọng rằng sau khi ông Putin tái đắc cử Tổng thống Liên bang Nga, mối quan hệ giữa EU và Moskva sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, Frankfurter Allgemeine Zeitung viết.
Ngoài ra,theo số liệu cuộc khảo sát gần đây của Ủy ban miền Đông của nền kinh tế Đức trong số hơn 110 công ty cho thấy: 57% doanh nghiệp muốn từng bước hủy bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva, và 37% yêu cầu phải hủy bỏ nhanh chóng và vô điều kiện các hạn chế về kinh tế. Chỉ có 5% số người tham gia khảo sát bày tỏ thái độ ủng hộ bảo lưu các biện pháp trừng phạt.
Ấn phẩm ghi nhận rằng các công ty gần như không bao giờ nhận được khoản vay từ các ngân hàng, nếu đó là vấn đề quan hệ kinh doanh với Nga.
Theo phân tích của Viện Kinh tế Thế giới Kiel công bố vào cuối năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu giảm 114 tỷ USD, đặc biệt, Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng: kinh tế Đức thiệt hại hơn 17 tỷ USD.
Trước đó, vào năm 2014, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraina. Những biện pháp này đã gia hạn và mở rộng nhiều lần.
Phía Nga đã có biện pháp trả đũa, bằng cách hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ Hoa Kỳ, các nước EU, Úc, Canada và Na Uy. Moskva đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: "nói chuyện" với Nga bằng " ngôn ngữ" của các biện pháp trừng phạt là phản tác dụng.