Việt Nam xây nhà máy nhiệt điện bằng vốn Trung Quốc: Đừng để rơi vào bẫy

Đề xuất của Geleximco có thể tiềm ẩn tác hại, vì vậy phải thận trọng trước khi quyết định.
Sputnik

Lo lệ thuộc vốn, công nghệ…

Sau khi Bộ Công Thương phát đi thông tin liên danh Tập đoàn Geleximco — Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) đề xuất tham gia dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2 khiến chuyên gia kinh tế lo ngại.

Tại sao Tập đoàn Dầu khí không loại PVC khỏi nhiệt điện Thái Bình 2?

Phân tích cụ thể, GS.TS Phạm Phố — nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn chỉ rõ:

Thứ nhất, Geleximco đề xuất phương án vay vốn dự kiến với tỉ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 20%/80%. Trong đó, 80% vốn được vay từ các các ngân hàng thương mại Trung Quốc.

GS.TS Phạm Phố cho rằng, đề xuất cho thấy Geleximco gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc, việc này rất rủi ro.

Vị GS lưu ý, Trung Quốc gần đây được người ta nhắc đến như là một quốc gia cho vay nợ. Bằng cách sử dụng nợ, nước này có khả năng "uốn cong" các quốc gia khác theo ý muốn của họ.

Vì thế, khi đã có được dự án, Trung Quốc sẽ dùng đồng vốn để khống chế, gây sức ép với chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư phải sử dụng từ nhà thầu cho tới công nghệ và lao động của nước này.

Tại Việt Nam, hậu quả cay đắng trong hợp tác vay vốn hay sử dụng vốn tài trợ từ Trung Quốc đến nay còn chưa khắc phục hết.

Với các chiêu trò bỏ thầu giá rẻ rồi sau đó kéo dài thời gian thi công, sau đó giá tăng lên gấp mấy lần Trung Quốc khiến các nước sử dụng vốn vay của họ phải khốn đốn. Có thể kể đến như dự án đường sắt trên cao Cát Linh — Hà Đông, và còn nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc nữa như dự án Nhà máy thép Thái Nguyên…

Trong khi đó, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện than do những lo ngại về ô nhiễm, môi trường. Để giải quyết vấn đề trong nước, Trung Quốc bắt buộc phải đẩy được công nghệ của các nhà máy cũ, lạc hậu sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Nếu không tỉnh táo, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai, GS Phạm Phố chỉ ra liên quan tới nguy cơ ngành an ninh năng lượng quốc gia cũng bị phụ thuộc.

Việt Nam sẽ vay vốn Trung Quốc làm dự án tỉ đô?
Theo thống kê đến cuối năm 2016 của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, trong 27 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thì các công ty Trung Quốc là tổng thầu EPC (thiết kế — mua sắm thiết bị — xây dựng) cho 14 nhà máy. Ngoài ra, Trung Quốc còn liên danh với nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án lớn như Mông Dương.

Vị GS cho rằng, phát triển nhiệt điện than nếu phụ thuộc vào Trung Quốc cũng có nghĩa chúng ta sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một rủi ro lớn.

Liên kết PPP, giao gì nhận đấy là rất nguy hiểm

Đề vập tới đề xuất sẽ xây dựng hai nhà máy trên theo hình thức PPP của Geleximco (đối tác công — tư), GS.TS Phạm Phố nói thẳng đây là đề xuất "ấu trĩ".

Ông giải thích, đầu tư theo hình thức PPP khác với hình thức đầu tư BOT. Vì nếu thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm rất cao, phải chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, chịu trách nhiệm về công nghệ, môi trường.

Trong khi đó, đầu tư theo hình thức PPP lại khác, đây là hình thức nhà thầu thi công xong rồi chuyển giao cho nhà nước quản lý và vận hành.

"Đầu tư theo hình thức này thì nhà thầu giao gì chúng ta phải nhận đấy, mọi rủi ro chúng ta đều phải gánh, nhà thầu hoàn toàn "phủi tay", không chịu trách nhiệm khi có sự cố.

Kêu gọi đầu tư theo hình thức này cần phải cân nhắc hết sức thận trọng. Trước hết, phải tìm kiếm nguồn vốn từ các nước uy tín trên thế giới. Tiếp đến là phải lựa chọn công nghệ hiện đại. Trong quá trình thi công phải có sự giám sát chặt chẽ, phải có sự tham gia của nhân lực trong nước. Không thể tự đưa chân vào bẫy", GS Phạm Phố thẳng thắn.

Vì sao thế giới dừng, Việt Nam lại đưa nhau xây dựng?

Vì sao miền Nam Việt Nam cần thêm nhà máy nhiệt điện?
Phân tích ở một khía cạnh khác, GS.TS Phạm Phố thấy lo lắng vì xu hướng phát triển ngược của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Hiện, đã có ít nhất có 7 quốc gia châu Âu gồm Pháp, Đức, Italya… đóng cửa 109 nhà máy nhiệt điện than. Năm 2011, Mỹ đã đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than và đến năm 2015 đã hủy bỏ 179 dự án xây dựng mới. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải ban hành những chính sách đặc biệt về phát triển loại năng lượng này.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, nhà máy nhiệt điện than mỗi lần vận hành sẽ thải ra không khí một lượng lớn bụi (các loại PM), khí SO2, NO2… Những hợp chất này, kết hợp với thời tiết ẩm ướt sẽ tạo ra sương mù, mưa axit, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Một thống kê cho thấy, số người chết do nhiệt điện than gây nên ở Việt Nam (căn cứ vào các loại bệnh thuộc nhóm này), khoảng 4.000 người mỗi năm, bằng gần nửa số người chết do TNGT nỗi năm. Và còn nhiều nguy cơ khác.

Mới đây, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã đề nghị Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả, lợi ích và tác động tổn thất đối với xã hội và nền kinh tế.

"Rất nhiều khuyến cáo như vậy rồi mà không hiểu vì sao chúng ta vẫn ồ ạt xây dựng nhà máy nhiệt điện than?

Tôi chỉ muốn nói, đề xuất của Geleximco có thể mang lại tác hại lớn. Vì vậy, phải thận trọng trước khi quyết định", GS Phạm Phố chốt lại.

Theo: Báo Đất Việt

Thảo luận