Ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Công ty Thai Beverage Public (ThaiBev) về việc công ty này tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Tổng công ty Bia — Rượu — Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo kiến nghị của ThaiBev, cuối năm 2017, công ty này đã mua thành công 53,59% vốn điều lệ của Sabeco thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage. Nhưng tới nay, ThaiBev chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Sabeco, đồng thời bày tỏ quan ngại với Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam về việc này.
Trước kiến nghị của ThaiBev, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của ThaiBev theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Trả lời hãng tin Reuters, một lãnh đạo của Sabeco khẳng định rằng việc ThaiBev không thể tham gia vào HĐQT Sabeco là "không đúng sự thật".
"Tôi biết rằng ThaiBev muốn cử 3 người vào HĐQT và tôi nghĩ họ có thể tham gia", nguồn tin này nói với Reuters, đồng thời thông tin rằng quá trình cử người bị hoãn lại do "thủ tục phức tạp".
"Đây là bài học cho chính phủ", ông Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế độc lập, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương bình luận.
"Không nên bán cổ phần chi phối cho một nhà đầu tư nước ngoài duy nhất nếu muốn giữ quyền kiểm soát ở đó. Về mặt kỹ thuật, Sabeco hiện là một công ty Thái Lan và chúng ta phải chấp nhận sự thật đó", ông Doanh nêu quan điểm.
Ở Việt Nam, cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần của một công ty có thể chỉ định người đại diện vào HĐQT nhưng phải được ít nhất 65% tổng số cổ phần biểu quyết thông qua. Trong trường hợp của Sabeco, Bộ Công Thương vẫn giữ 36%, điều đó có nghĩa là ThaiBev cần có sự chấp thuận của cơ quan này.
Nguồn: Thời Báo Tài Chính