Annandale là một thành phố nhỏ nằm ở tiểu bang Virginia (Mỹ), cách thủ đô Washington khoảng 1 giờ xe chạy. Nơi này không có gì đáng chú ý vào ban ngày, nhưng khi đêm buông xuống, lữ khách sẽ cảm nhận được một phong vị rất "ngoại quốc" ngay trên dải đất thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Dưới ánh đèn neon, Annandale lột xác thành một "Korea town" chính hiệu với các dãy phố ken kín nhà hàng, quán karaoke bar, tiệm massage… Nếu "lỡ chân" lạc bước vào chốn này, người mới đến lần đầu dễ bắt gặp những cái nhìn soi mói.
Cảnh tượng phổ biến trong các tụ điểm giải trí ở Annandale là các cô gái mặc váy ngắn, áo hai dây, mang giày cao gót lượn lờ qua lại. Công việc của họ là ca hát và uống rượu với khách, và nếu khách có tâm trạng, có thể là một chút "vui vẻ" trong căn phòng kín.
"Chị không thể nào tìm thấy những nơi này trên Google maps… Thông thường sẽ có một 'madam' (má mì/ tú bà) đáp ứng mọi nhu cầu của khách" — một nhân viên trẻ tuổi làm việc trong một quán karaoke bar ở Annandale giải thích với cô Raquel Carvalho, một trong 20 nhà báo quốc tế được Washington tài trợ điều tra nạn buôn người ở Mỹ.
Biến tướng nạn buôn người
Bất bình đẳng giới ở quốc gia Đông Á này đẩy hàng triệu phụ nữ ra khỏi thị trường lao động, chỉ sót lại những công việc thời vụ và thu nhập thấp cho họ. Đã vậy, cạnh tranh việc làm hết sức gay gắt và các nhà tuyển dụng thường đề cao ngoại hình hơn kinh nghiệm.
Dưới áp lực đó, nhiều phụ nữ phải cân nhắc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi số phận, và chi phí "tân trang" đắt đỏ đẩy họ vào vòng xoáy nợ nần, trở thành mục tiêu lý tưởng cho tội phạm buôn người.
"Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ gần như là điều tự nhiên ở Hàn Quốc, nhất là đối với phụ nữ. Sinh viên đại học thường không có nhiều tiền dù có thể họ thuộc tầng lớp trung lưu, do đó bọn buôn người hay nhắm đến nhóm này" — bà Youngbee Dale, chuyên gia chống buôn người ở Washington, giải thích.
Xuất phát từ thực tế đa số các cô gái không thể tiếp cận dịch vụ tài chính hợp pháp, đám tội phạm bắt đầu giăng bẫy.
"Chúng nhử con mồi bằng cách trấn an họ có thể trả nợ nhờ đi làm thêm. Ban đầu chỉ là phục vụ trong các nhà hàng, quán cà phê, rồi chúng sẽ nói 'cô còn nợ bấy nhiêu đây này, cộng với tiền lãi mỗi ngày, nếu cô làm chuyện này (bán dâm), cô sẽ trả nhanh hơn. Đến lúc đó thì các nạn nhân không còn thoát ra được nữa" — bà Dale kể.
Năm 2015, một khảo sát của Gallup Korea phát hiện cứ 3 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 19-20 thì có 1 người đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Một câu chuyện điển hình
Có một cô gái nọ làm việc trong một tiệm massage bất hợp pháp ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Một ngày nọ, cô đọc được mẩu quảng cáo việc làm lương cao ở Mỹ.
Quyết định thử vận may, cô liên lạc và hẹn gặp tay môi giới tại một địa điểm gần sân bay Incheon. Sau khi thỏa thuận, hắn cho cô vay số tiền 5 triệu won (4.700 USD) để trả phí môi giới và thu xếp cho cô bay đến thành phố Los Angles. Đó là năm 2012.
Những tưởng đổi đời, cuộc sống trên đất Mỹ của cô gái chỉ thêm khốn khổ. Cô gần như không được ngủ và phải làm việc quần quật gần 24 giờ mỗi ngày. Tuyệt vọng, cô bỏ trốn sau 2 tháng nhưng không dám báo cho cảnh sát vì sợ hãi.
Có rất ít phụ nữ thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của nợ nần như cô gái trong câu chuyện. Các tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc thống kê được "phẫu thuật thẩm mỹ" là một trong 3 phương kế bóc lột tình dục chính bọn tội phạm hay áp dụng với các cô gái, bên cạnh ma túy và rượu.
Chuyên gia Byun cho biết phẫu thuật thẩm mỹ, giống như váy ngắn và giày cao gót, đã trở thành chuẩn mực trong ngành công nghiệp sex ở Hàn Quốc, và ngày càng có nhiều phụ nữ nợ nần vì chỉnh sửa nhan sắc.
Một công việc ở Mỹ nghe có vẻ như "ánh sáng cuối đường hầm" đối với các cô gái, nhưng khi sắp trả hết nợ, tú bà tiếp tục dụ dỗ: "Cô nên phẫu thuật thẩm mỹ, cô sẽ kiếm thêm nhiều tiền". Không thể từ chối, số nợ cô gái phải gánh tiếp tục tăng lên…
Theo: Tuổi Trẻ