Cuộc chơi khổng lồ mà Việt Nam không thể đứng ngoài

Để thực sự “đón sóng” cách mạng công nghiệp 4.0, chính phủ cần phải đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp.
Sputnik

Nói đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, không thể không nói đến kinh tế số. Theo một đánh giá của tạp chí Forbes vào năm 2016, nền kinh tế số thế giới đang có giá trị khoảng 3.000 tỉ đô la. Nếu xét đến giá trị tạo ra từ các "tài sản số" thay vì số tiền đầu tư vào chúng và các hiệu ứng gián tiếp mà công nghệ số tạo ra và đóng góp vào nền kinh tế, con số này có thể lên tới 11.500 ngàn tỉ đô la theo ước tính của các chuyên gia. Những con số này cho chúng ta thấy quy mô thực sự khổng lồ với tiềm năng không tưởng của nền kinh tế số toàn cầu không chỉ đơn thuần nằm ở những chỉ số đo lường truyền thống.

Kinh tế số cũng đang làm thay đổi chóng mặt hành vi của người tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi toàn cầu khi thị trường luôn mang tính cạnh tranh cao. Nhiều mô hình kinh doanh mới đã ra đời và phủ sóng rộng khắp. Điều này đặt ra thách thức cho các chính phủ trong việc hoạch định chính sách và quản lý các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các mô hình liên quan đến cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Vai trò của chính phủ vô cùng quan trọng

Trong thời đại của kinh tế số, khi biên giới quốc gia trong kinh doanh gần như bị xoá mờ, chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng môi trường chính sách tiến bộ và thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Để thực sự "đón sóng" Cách mạng Công nghiệp 4.0, chính phủ cần phải đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp. Các nước trên thế giới đang có các chiến lược quốc gia riêng để tận dụng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phải kể đến "Industrie 4.0" của Đức, "Manufacturing Innovation Strategy 3.0" của Hàn Quốc hay "Society 5.0" của Nhật. Tuy nhiên, chiến lược quốc gia sẽ không thể thành công nếu chính phủ không sẵn sàng đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, một thể chế thúc đẩy sáng tạo trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngay tại ASEAN, Singapore cũng đang dẫn đầu cuộc đua 4.0. Theo báo cáo về "Tương lai của sản xuất 2018" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 1 vừa rồi, Singapore thuộc một trong 25 nước trên thế giới có ưu thế tốt nhất để hưởng lợi từ cách mạng 4.0, đặc biệt Singapore chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về năng lực chủ động trong sản xuất. Để đạt được điều này, Chính phủ Singapore đã sớm vào cuộc, với các chiến dịch như Smart Nation Singapore, SGInnovate, và hàng loạt các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, đầu tư, góp vốn.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số có thể giúp GDP của các nước ASEAN tăng thêm khoảng 1.000 tỉ đô trong giai đoạn 10 năm tính từ 2015 đến 2025. Đồng thời, dự đoán giá trị nền kinh tế số có thể vượt mức 200 tỉ đô vào năm 2025. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi này.

Tận dụng được các lợi ích mà kinh tế số đem lại là cơ sở để Việt Nam bứt phá khi tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại và chúng ta không thể tiếp tục dựa vào việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hay nhân công giá rẻ để duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhận thức rõ điều đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: "Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Chính phủ sẽ cởi mở, sẵn sàng thay đổi và phát triển kinh tế số."

Để thực hiện được khát vọng đó, Chính phủ đã cam kết sẽ "chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế" và "kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD".

Thời đại của kinh tế số là thời đại của sự chuyên nghiệp hóa và tận dụng lợi thế quy mô kinh tế. Để tận dụng được các lợi ích mà kinh tế số đem lại, từng cơ quan quản lý nhà nước đều cần phải có những thay đổi trong tư duy xây dựng và ban hành chính sách. Chính phủ cần chủ động điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng thiết thực và cởi mở hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời kỳ mới.

Tư duy xây dựng pháp luật bị bó buộc bởi các yếu tố địa lý hoàn toàn không còn phù hợp để quản lý các mô hình kinh doanh dịch vụ công nghệ trong thời đại số. Những tư tưởng quản lý bất cập như vậy có nguy cơ tạo tiền lệ cho các cơ quan quản lý nhà nước quay trở lại với xu hướng áp đặt các điều kiện kinh doanh, rào cản kỹ thuật, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường kinh doanh, làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chính sách tốt là các chính sách được xây dựng trên nguyên tắc giảm thiểu rủi ro vi phạm và đảm bảo sự hài hòa với các cam kết quốc tế. Ngoài ra, để có được những chính sách tốt, quy trình làm chính sách phải minh bạch, có sự tham vấn nghiêm túc với các bên liên quan (đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp), và có đánh giá tác động pháp luật một cách nghiêm túc.

Chỉ khi các cơ quan xây dựng và ban hành văn bản pháp luật có tư duy làm luật tiến bộ và cởi mở chúng ta mới có thể có được một môi trường chính sách toàn diện, hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái số và thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Để chuẩn bị cho tương lai 4.0 của Việt Nam, hơn lúc nào hết chính phủ cần phải thể hiện một cách cụ thể, với những bước đi rõ ràng, đem lại hiệu quả và những "cú hích" thật sự cho quốc gia trong kỷ nguyên số hóa, khi mà sự chậm chạp trong thích ứng và bắt kịp sẽ dẫn đến sự thụt lùi cùng những hậu quả không hề nhỏ.

Nguồn: vietnamnet

Thảo luận