Máy bay mất tích ở Tam Đảo: Chiếc máy bay bị lãng quên và những cuộc xâu xé trên núi

Mời bạn đọc theo chân nhà báo Phạm Ngọc Dương - cây bút ký sự đường rừng nổi tiếng lần theo hành trình kỳ bí tìm kiếm chiếc máy bay chở 1 phi công Nga và một phi công Việt Nam mất tích ở Tam Đảo.
Sputnik

Chiếc máy bay chở 1 phi công Nga và một phi công Việt Nam rơi xuống Tam Đảo. Sau đó là cuộc tìm kiếm ly kỳ như trong phim Hollywood. Mời bạn đọc theo chân nhà báo Phạm Ngọc Dương — cây bút ký sự đường rừng nổi tiếng — lần theo hành trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này.

Kỳ 1: Kéo nhau vào rừng săn nhôm, sắt

Mới đây, một nhóm nhà khoa học, thám hiểm đã làm một cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích 47 năm trước ở đỉnh Tam Đảo. Câu chuyện này được xới lên khiến nhiều người bất ngờ.

Điều bất ngờ, là chiếc máy bay này rơi ở miền Bắc, thời chống Mỹ, lại ở đỉnh Tam Đảo, là đỉnh núi không quá cao, cách thủ đô vài chục km, rừng rậm không đến nỗi quá kinh khủng, mà lại chẳng được nhắc đến.

Một chuyên gia huấn luyện của Nga, một phi công trẻ của Việt Nam, mất tích ở đỉnh núi ngay thủ đô, rồi rơi luôn vào quên lãng, khiến nhiều người ngỡ ngàng khi câu chuyện này được xới lại, bởi nhóm tìm kiếm theo nguyện vọng của người cháu phi công Nga.

Tôi tìm đến sườn bên kia của đỉnh Tam Đảo. Đứng trên đỉnh Tam Đảo mờ sương, cao 1.200m, nhìn thấy xã Mỹ Yên (Đại Từ, Thái Nguyên) ngay dưới chân núi, nhảy dù rơi xuống xã, thế nhưng, phải đi vòng trăm cây số, mới đến được xã.

Đợt này, người dân hai xã Mỹ Yên và Hoàng Nông (Đại Từ, Thái Nguyên), ngay chân núi Tam Đảo, lại bàn tán xôn xao về chuyện chiếc máy bay rơi 47 năm trước, và chuyện những người lạ mặt tìm đến thuê dân vào rừng ăn ngủ, tìm kiếm.

Trò chuyện với người dân, nhất là những người cao tuổi ở hai xã này, thì gần như 100% biết chuyện có một chiếc máy bay phi vào đỉnh núi, phát ra tiếng nổ như bom. Đến thế hệ 7x,8x, hỏi về chuyện máy bay rơi ở đỉnh Tam Đảo, họ cũng biết, qua câu chuyện kể của cha ông, và những món đồ nhan nhản được "chế biến" từ máy bay vẫn được dùng trong gia đình.

Có thể nói, chuyện máy bay rơi ở đỉnh Tam Đảo, mấy chục năm nay vẫn là chuyện thời sự, ấy vậy mà, số phận người thầy của nước Nga xa xôi sang đây dạy phi công lái máy bay, và số phận phi công trẻ mất tích, chẳng ai biết đến. Thật là chua xót.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, xã đội trưởng Mỹ Yên, sinh năm 1974, tức là khi máy bay rơi được 3 năm rồi, anh mới ra đời, thế nhưng, chuyện về chiếc máy bay rơi ở xã, anh nắm rất rõ.

Đại úy không quân Liên Xô Poyarkov Yuri Nikolaevich.

"Chuyện chiếc máy bay rơi ở Vườn quốc gia Tam Đảo, cách nơi tôi sống vài tiếng đi bộ, ngửa mặt lên nhìn thấy chỗ đó vào ngày trời quang, thì tôi và người dân ở đây đều biết cả. Bao nhiêu năm nay, thi thoảng người dân đi rừng lấy thuốc, đi săn thú, lại lấy được mảnh vỡ máy bay. Người dân ở đây nhiều gia đình có nghề thu mua đồng nát, nên chuyện họ đi tìm kiếm kim loại về bán cũng bình thường thôi. Đợt cuối năm vừa rồi, rồi từ đầu năm đến nay, có một nhóm người ở Hà Nội vào rừng tìm kiếm với tư cách cá nhân, không thông qua xã, nên chúng tôi cũng chỉ nắm tình hình sơ sơ thôi. Qua thông tin từ anh Nam, anh Hiệu, anh Trung, anh Phú, anh Đạt, là những người dẫn nhóm người ở dưới xuôi vào rừng tìm kiếm, thì tôi cũng biết họ thu thập được một số mảnh vỡ máy bay. Chuyện này tôi cũng báo cáo lên huyện" — anh Hùng chia sẻ.

Xã đội trưởng Đỗ Mạnh Hùng.

Nói rồi, xã đội trưởng Đỗ Mạnh Hùng dẫn tôi đến một xóm nằm ngay cạnh chân núi Tam Đảo. Nhà ông Dương Văn Dân bừa bộn xoong nồi, xô chậu, nghi ngút khói. Ông Dân đang cầm hai chiếc "xà beng" để bẩy thứ gì đó keo đặc trong nồi. Hóa ra, ông Dân là chuyên gia nấu cao.

Ông Dân chỉ tay vào chiếc chậu khá lạ mắt dưới mặt đất, đựng đầy xương ngựa. Ông bảo, đó chính là một phần của chiếc thùng dầu mà ông và bố nhặt được, khiêng về.

"Những năm thập kỷ 60-70, Mỹ thả rất nhiều thùng phi đựng dầu và thùng giấy bạc xuống núi Tam Đảo, nên vào rừng rất hay nhặt được. Có thể, máy bay Mỹ đi ném bom miền Bắc xong, qua núi Tam Đảo về căn cứ ở Thái Lan, họ thả hai thứ đó xuống cho nhẹ máy bay. Dân làng chúng tôi lấy được cả trăm món đó" — ông Dân cho biết.

Bây giờ, ông Dân là thợ nấu cao nổi tiếng trong vùng. Lý do, thời trẻ, ông là thợ săn có tiếng. Tuổi trẻ, ông và bố ông, là cụ Cư, hiện 80 tuổi, suốt ngày trong rừng Tam Đảo bẫy thú, bắn thú. Cụ Cư bắn được cả hổ, sơn dương và khỉ thì rất nhiều, nên mới có nghề nấu cao, sau truyền lại cho ông Dân. Giờ hổ hết, nhưng ông vẫn đi khắp nơi nấu thuê nếu có đại gia gọi.

Chuyện về chiếc máy bay rơi ở đỉnh Tam Đảo, thì bố con ông rõ nhất ở vùng này.

"Hồi đó máy bay Mỹ, rồi máy bay Liên Xô gầm rít suốt ngày đêm ở núi Tam Đảo. Dưới chân núi Tam Đảo có sân bay Đa Phúc (bây giờ là sân bay Nội Bài), máy bay chiến đấu, rồi máy bay huấn luyện cất cánh suốt ngày, vọt qua núi. Hôm nào trời trong, bọn trẻ chúng tôi chẳng ra ruộng xem máy bay lượn. Hôm nào trời mây, thì chỉ thấy tiếng máy bay phản lực rít lên thôi. Khoảng 10 giờ đêm 30/4/1971, thì cả mấy xã dưới chân núi Tam Đảo, đều nghe thấy tiếng máy bay rít, rồi tiếp đó là tiếng nổ như bom vang lại. Khi đó, cũng không rõ là máy bay rơi hay bom nổ đâu. Chỉ khi thấy trực thăng quần thảo ở núi, mới biết là có máy bay rơi" — Ông Dân kể.

Ông Dương Văn Dân là người nắm rõ nhất chuyện "xẻ thit" chiếc máy bay.

Theo lời ông Dân, ngay hôm sau, xuất hiện rất nhiều bộ đội ở xã Mỹ Yên và Hoàng Nông. Rất nhiều tốp dựng lều bạt, ở nhà dân, rồi hàng ngày lên núi Tam Đảo tìm kiếm máy bay rơi. Dân quân trong các xã trong vùng cũng được huy động vào rừng. Có một chiếc trực thăng đỗ ở khu Lò Sạch, bay lên bay xuống không biết bao nhiêu lần. Hồi đó, núi Tam Đảo rừng già rậm rạm, âm u, ít người dám vào sâu vì thú dữ nhiều.   

Sau cả tháng tìm kiếm, thì không thấy kết quả gì cả. Người dân chỉ kể là có tiếng nổ trong đêm, nhưng tiếng nổ đến từ vùng nào thì không ai biết. Dãy núi Tam Đảo khi đó rậm rạp, kéo dài khắp 3 tỉnh Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Tuyên, phương tiện kỹ thuật không tốt, vả lại chiến tranh đang khốc liệt, nên nhóm tìm kiếm với trực thăng quần thảo thời gian, không tìm thấy máy bay rơi ở đâu, thì họ bỏ đi.

"Sau này, đến năm 1972, lại thấy một nhóm bộ đội quay lại, cùng với trực thăng tìm kiếm một thời gian, rồi rút đi, nhưng không rõ họ có tìm thấy không. Chiếc máy bay và hai phi công cũng bị quên lãng luôn" — ông Dân kể.

Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Yên là xã đội trưởng, cũng thi thoảng cùng người dân đi vào rừng tìm kiếm, nhưng không thấy gì. Thời gian sau, ông Yên chết đi, thì ít người quan tâm đến chuyện tìm máy bay.

Đầu thập kỷ 90, người dân Mỹ Yên lại rộ lên phòng trào đi tìm máy bay, nhưng là tìm… đồng nát. Chẳng là, một số thợ săn vào rừng, nhặt được vài mảnh vỡ máy bay, biết có đồng nát nhiều, nên người dân ùn ùn vào rừng tìm kiếm. Lúc này, người dân đã biết địa điểm máy bay rơi, cách đỉnh Tam Đảo không xa, cách xã Mỹ Yên và Hoàng Nông vài tiếng đi bộ.

Một bộ phận của chiếc máy bay xấu xố mà nhóm tìm kiếm mới tìm được

Bố con ông Dân cũng kiếm được khá nhiều "chiến lợi phẩm" và đem bán đồng nát theo kg. Riêng chiếc thùng phi thì cắt ra chia mỗi người một mảnh. Bố con ông Dân cũng là người tìm thấy cái bánh răng máy bay, to bằng hai cái thúng úp lại với nhau. Cái bánh răng là một hệ thống những cục sắt to tướng, nặng mấy tạ, nên không khênh nổi. Ông đem cả búa, nên sắt lên đục, nhưng không ăn thua gì.

Rất nhiều đoàn thu gom sắt vụn tìm lên thử sức với cục bánh răng, họ đốt cả lửa cho mềm, rồi cưa ra từng miếng nhỏ, nhưng vẫn không ăn thua gì. Mãi sau này, có một nhóm "chuyên gia đồng nát" đem máy khò lên đốt, mới cưa được cái hệ thống bánh răng thành từng miếng nhỏ, rồi khênh về bán sắt vụn.

Chả hiểu sao, tin đồn máy bay chở vàng đâm xuống Tam Đảo lan ra từ đâu, khiến rất nhiều người tứ xứ mang máy dò vàng, dò kim loại vào rừng để tìm vàng. Theo lời ông Dân, thì nhóm người này dựng lều ăn ở suốt 6 tháng trên đỉnh núi để dò vàng. Chẳng biết họ dò vàng ở máy bay rơi, hay dò vàng ở đâu, có tìm được gì không, nhưng chuyện họ đóng chốt 6 tháng trời ở đó, thì là một sự lạ. Thời kỳ đó, bố con ông Dân thường xuyên vào đó săn bắn, gặp họ, nhưng họ kín tiếng, chỉ nói là đi dò vàng.

Trong số những người xâu xé chiếc máy bay, thì ông Sơn là người thu gom được chiến lợi phẩm nhiều nhất. Cách đây độ chục năm, ông mang máy dò kim loại lên và trúng quả rất nhiều sắt, nhôm, mảnh dù, dây điện. Có người còn nhặt được cả mũ phi công, đồng hồ đeo tay.

Anh Phạm Văn Thông kể: "Năm 1995, tôi cùng nhóm thanh niên đi vào chỗ máy bay rơi để kiếm sắt vụn, thì thấy hiện trường và dấu tích vụ nổ rõ ràng. Chiếc đầu nhọn của máy bay vẫn còn cắm vào vách đá. Động cơ máy bay vẫn còn đó. Mấy năm sau quay lại, thì chiếc đầu máy bay cắm ở vách đá rồi chiếc động cơ nặng cả tấn cũng biến mất".

Nguồn: vtc

 

Thảo luận