Nhà báo Sỹ Văn — Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, thuộc Liên Chị hội nhà báo Bộ TT&TT đã đưa ra quan điểm nếu cấm mại dâm lợi thì không thấy đâu mà thua thiệt thì rất rõ.
Những ngày qua, nghe có cơ quan nhà nước lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc có nên cho phép thành lập "phố đèn đỏ" (tên gọi dân dã chỉ khu phố được phép kinh doanh mại dâm) ở một số khu du lịch, khu kinh tế đặc biệt ở nước ta hay không?
Dư luận xã hội xôn xao bàn tán với nhiều ý kiến khác nhau, chung quy là có hai luồng rõ rệt trái ngược hẳn nhau: Một bên đồng ý và một bên phản đối, bên nào cũng đều có khá nhiều người ủng hộ.
Có cấm được mại dâm không?
Có thể khẳng định nhu cầu tình dục là nhu cầu tự nhiên và rất thường xuyên của con người. Đã là nhu cầu tự nhiên và khách quan thì ai cũng có quyền tìm cách để đáp ứng, kể cả là người đó có vợ, chồng hay không.
Thật may mắn cho những cặp vợ chồng là nhu cầu tình dục của người này vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của người kia. Những người đó không bao giờ muốn và tất nhiên sẽ không bao giờ cho rằng mại dâm lại là cần thiết.
Theo quy luật, có cầu thì sẽ có cung. Những người độc thân, những khách du lịch, những người lao động, công tác do hoàn cảnh phải xa vợ, chồng, những người có nhu cầu cao mà vợ hay chồng ở cạnh không thể đáp ứng được, và tất nhiên có cả những người tò mò ham "của lạ", thậm chí có cả những kẻ đàng điếm sa đọa.
Song, dù thế nào cũng phải thừa nhận rằng, nhu cầu tình dục ngoài hôn nhân là nhu cầu khách quan, có thật và chính đáng của một số người, tất nhiên không phải là nhu cầu của tất cả mọi người.
Đã coi là nhu cầu tự nhiên khách quan thì cần phải nhìn nhận việc đáp ứng nhu cầu ấy như chuyện đói ăn, khát uống của con người thôi. Và khi đã là nhu cầu chính đáng thì việc đáp ứng nó cũng là chính đáng.
Một bên được "giải cơn đói", một bên thì thu được tiền. Hai bên cùng có lợi, nếu không có hại cho bên thứ ba, thì nó sẽ được thực hiện mà không ai có thể cấm được.
Không cấm cái gì khó hơn là cấm người ta ăn khi đói và uống khi khát. Cấm chỗ này thì người ta sẽ tìm chỗ khác để ăn uống mà thôi.
Thực tế, chưa ai có thống kê trên lãnh thổ Việt Nam có bao nhiêu cuộc mua bán như thế, song với số lượng người làm nghề "bán hoa" chuyên nghiệp, mà các cơ quan thống kê chưa đầy đủ, thì đã là con số hàng trăm nghìn người. Đủ biết là phải có hàng triệu lượt mua bán dâm đã và đang diễn ra.
Bất chấp bị cấm theo pháp luật hiện hành, nó vẫn diễn ra phổ biến suốt bao nhiêu năm qua. Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho "lệnh cấm" mại dâm không thể thực hiện được chính là vì hoạt động này đã đáp ứng một nhu cầu tự nhiên, chính đáng của con người.
Rất nhiều người (nhất là những người làm công tác phụ nữ) nhìn người bán dâm với con mắt tội nghiệp và thông cảm hơn là con mắt khinh ghét như các loại tội phạm khác.
Bây giờ ai muốn mua dâm thì cũng dễ như mua rau ngoài chợ mà thôi. Chỉ là người ta có muốn hay không thôi.
Không phải vô cớ mà một số nước dù không công nhận mại dâm là hợp pháp nhưng vẫn chấp nhận nó là một hiện tượng được tồn tại trong xã hội. Rõ ràng là mại dâm không thể cấm được.
Có cần thiết cấm mại dâm?
Những người ủng hộ việc cấm mại dâm cho rằng, mại dâm làm hại thuần phong mỹ tục của dân tộc, tức là làm hại đến văn hóa dân tộc; có người thì cho là nó làm hại đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, thậm chí có người còn cho rằng mại dâm gắn với nhiều loại tội phạm khác (ma túy, lây truyền HIV…). Do vậy, nó có hại cho xã hội và cần phải cấm.
Thực ra, đến nay, các quan điểm này không còn cơ sở vững chắc. Cái lý của việc bảo vệ "thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc" ở đây chẳng qua là bảo vệ cái quan niệm Khổng giáo "nam nữ thụ thụ bất thân" còn lại từ xã hội phong kiến, cho rằng ngoài vợ chồng ra thì không được quan hệ tình dục với ai khác.
Quan niệm này chỉ đúng với những cặp vợ chồng lý tưởng mà nhu cầu của người này cũng chính là để đáp ứng nhu cầu của người kia — "anh và em luôn luôn cùng thỏa mãn". Mà thực tế không phải nhà ai cũng được như thế.
Trong thời đại tiến bộ, quan niệm trên của Khổng giáo không còn thực sự là "thuần phong mỹ tục" để cần phải bảo vệ nữa, mà nó đã trở nên lạc hậu cổ hủ, phản khoa học, phản nhân văn, chống lại một nhu cầu tự nhiên, chính đáng của con người.
Những người "ăn ở nhà đã đủ rồi" thì không bao giờ muốn người ta mở thêm "hàng quán" làm gì nữa cả. Nhưng với những người ''lỡ độ đường" thì những "hàng quán" ấy là không thể thiếu.
Tôi biết có những chị, mỗi khi chồng đi công tác xa, thường chuẩn bị một ít bao cao su vào trong hành lý cho chồng, dù rằng không phải anh chồng nào cũng cần phải dùng đến nó.
Về hôn nhân gia đình, phải khẳng định rằng: Chỉ ngoại tình, chồng hờ, vợ nhỏ, cặp bồ cặp bịch này nọ… thì mới ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, chứ xa nhà nhịn lâu không có "cơm", "lên cơn đói" mà "ăn tạm cái bánh", trả tiền xong rồi "đi không hẹn ngày trở lại", thì không phải với nhà ai cũng là có hại cho hôn nhân.
Còn nói mại dâm thường gắn với các loại tội phạm khác (trộm cắp, cờ bạc, tham nhũng…) thì lại càng thiếu cơ sở.
Người bán dâm chỉ là người cần tiền thì phục phục vụ người có tiền, ngoài ra họ cũng như mọi người khác. Gán mác tội phạm cho họ là một cách nhìn theo thói quen định kiến (cho mọi người làm việc bất hợp pháp thì đương nhiên là người xấu, mà không tính đến hoàn cảnh cụ thể và yếu tố lạc hậu của pháp luật), rất thiếu nhân văn.
Tất nhiên là mại dâm có thể làm lây lan một số bệnh qua đường tình dục, song điều đó có thể loại trừ được bởi các biện pháp tình dục an toàn. Cái hại của hoạt động mại dâm chính là do tính bất hợp pháp của nó gây ra.
Bất hợp pháp mà tồn tại thì đương nhiên gây bức xúc xã hội vì nó ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Và vì là bất hợp pháp nên nó không thể được tổ chức và quản lý theo pháp luật, mà phải luôn gắn với các hoạt động trá hình. Trá hình thì phải đi với lừa đảo, và phải gắn với tội phạm.
Sửa luật pháp cho phù hợp, mại dâm chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng cho một nhóm người rất nhỏ, lại được quản lý tốt, thì sẽ hầu như không có hại cho xã hội. Nên cấm là không cần thiết.
Có nên cấm mại dâm?
Phải xem việc cấm đó có lợi hay có hại. Một là, trong khi nguồn lực xã hội còn hạn chế mà lại dành một khoản ngân sách khổng lồ, một bộ máy nhân sự vào việc bắt mấy cô gái bán dâm mang đi cải tạo rồi lại… thả về cho tiếp tục như lâu nay vẫn làm là một sự lãng phí ghê gớm, rõ ràng là có hại.
Nếu hỏi: "Dồn nguồn lực chống mại dâm hiện nay cho việc tăng cường chống các tội phạm khác vốn đang gây bức xức rất lớn trong xã hội hiện nay) như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, bắt cóc, xâm hại trẻ em… thì có nên không?". Tôi tin là đa số người dân sẽ đồng tình là: "Có".
Hai là, dù sao vẫn phải thừa nhận rằng, mại dâm cũng đã góp phần tạo ra việc làm dịch vụ cho hàng trăm nghìn người, là yếu tố rất quan trọng trong thu hút khách du lịch quốc tế vào một quốc gia.
Một số nước láng giềng (nhất là vương quốc Thái Lan với Phật giáo là Quốc đạo) truyền thống văn hóa Á Đông như ta mà đã đi trước ta rất nhiều trong chuyện này.
Không phải không có lý khi nói rằng dịch vụ "đèn đỏ" là một trong những lợi thế của Thái Lan đã cạnh tranh áp đảo Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Cấm mại dâm, vừa tốn nguồn lực để chống mại dâm, vừa mất nguồn thu từ khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Rõ ràng là lợi thì không thấy đâu, mà thua thiệt thì rất rõ. Rõ ràng là không thể, không nên, và không cần thiết phải cấm mại dâm.
Vậy thì nên ứng xử với nó như thế nào cho đúng? Cần phải có sự nghiên cứu thêm.
Theo: VTC