Nhiệm vụ của Trung tâm là điều phối hoạt động cấp cứu, cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Chiều 10.4, Ban Văn hóa — Xã hội, HĐND TP.HCM đã làm việc với Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm) về hoạt động của Trung tâm này. Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm, cho biết, trong 3 năm 2015, 2016, 2017, số cuộc gọi đến Trung tâm tăng cao, tăng lần lượt là 8.787 lên 15.219 và 20.827 cuộc. Số lượt xuất xe tăng lần lượt là 6.194, 8.977 và 14.696 và số bệnh nhân được cấp cứu tăng lần lượt là 5.172, 7.567 và 12.176.
Làm việc áp lực nhưng thu nhập chưa tương xứng
Tuy nhiên, Trung tâm và các trạm cấp cứu vệ tinh cũng chỉ mới đáp ứng được cấp cứu chứ chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân về chuyển viện vì chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, môi trường làm biệc của nhân viên cấp cứu cũng rất nguy hiểm vì đa số những ca tai nạn giao thông đều liên quan đến bia rượu mà nhân viên cấp cứu chủ yếu là nữ nên cần sự phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành công an.
Về thu phí, không chỉ Trung tâm mà các trạm vệ tinh cũng báo lỗ (tốn tiền xăng) vì 30% bệnh nhân khi xe cấp cứu đến thì họ đã đi rồi, hoặc làm cấp cứu nhưng không ai trả tiền (2.924 ca). Trong khi bảo hiểm y tế cũng chưa có mục nào thanh toán cho cấp cứu ngoại viện.
Theo bác sĩ Long, một trong những thách thức lớn nhất của Trung tâm là về điều kiện kinh tế. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng chưa tạo được nguồn thu nên phải hưởng ngân sách 100%.
Nguồn lực trẻ, ít kinh nghiệm, ngoài thu nhập cơ bản thì không còn nguồn nào khác. Người có lương thấp nhất là hơn 1,6 triệu đồng/tháng, bác sĩ từ 4-6 triệu đồng/tháng, ngay cả giám đốc cũng chỉ 8 triệu đồng nên rất khó tuyển dụng. Thiếu sót của Trung tâm là chưa tiếp cận các trường đào tạo về y để tuyển người. Hiện Trung tâm chỉ có 16 bác sĩ, 60 điều dưỡng, 12 y sĩ, 22 lái xe…
"Năm 2017 tại Trung tâm đã có 23 người nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng, một y sĩ, một kỹ thuật viên, 3 lái xe và 6 bảo vệ…", bác sĩ Long nói. Bác sĩ Long cho biết thêm, nguồn nhân lực (bác sĩ) ngoài khó khăn về kinh tế thì cơ hội phát triển vì không có vì Trung tâm không có cơ chế ký xác nhận thực hành cho bác sĩ được cấp cứu chứng chỉ hành nghề đi làm phòng mạch nên khó thu hút.
Bác sĩ Long kiến nghị HĐND TP, Sở Y tế cần đầu tư cho nguồn lực để giữ chân con người bằng cơ chế đãi ngộ, tăng tiền lương, cho thêm bác sĩ. Bên cạnh đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phương tiện, cải tạo nâng cấp trung tâm và đào tạo; đẩy mạnh việc triển khai thí điểm Paramedic (cấp cứu ngoại viện).
"Hiện nay là việc nhận cấp cứu, chuyển cuộc gọi là thủ công, do vậy đẩy nhanh xây dựng Trung tâm điều hành thông minh là cần thiết", bác sĩ Long nói.
Phải nâng thu nhập cho cán bộ, nhân viên
Nhiều đại biểu tham dự đặt ra vấn đề là trong năm 2017 nhân lực của Trung tâm nghỉ quá nhiều trong khi tuyển dụng thì khó khăn. Nguyên nhân do lương hay môi trường công tác, hay thiếu cơ hội phát triển? Vì sao cuộc gọi cấp cứu, số xuất xe tăng mà thu nhập cán bộ nhân viên thấp, có phải do chi phí xuất xe tăng mà thu nhập cán bộ nhân viên giảm lại? Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Ban văn hóa — Xã hội HĐND TP cho rằng Sở Y tế, Sở Tài chính tham gia làm sao cho cán bộ công chức ở Trung tâm thu nhập ngang mức thu nhập bình quân của các bệnh viện để thu hút nhân lực và nhân lực yên tâm làm việc. Lập đề án nhân sự để tuyển dụng, đào tạo phù hợp.
Theo TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện là Chủ tịch Hội y tế công cộng TP, khó khăn lớn nhất của Trung tâm là nếu không giải quyết được nguồn nhân lực thì không làm được nhiều. Nếu tuyển bác sĩ vào Trung tâm thì dù có tăng lương cũng không bằng làm phòng mạch nên họ không gắn bó lâu dài. Căn cơ là phải đào tạo là nhân viên Paramedic và tạo hành lang pháp lý để cho nó hoạt động. Xây dựng hệ thống điều hành thông minh, Trung tâm sẽ không điều hành gì được khi nhu cầu cấp cứu lên đến 10% (hiện nay chỉ 1%). Trách nhiệm và quyền hạn của Trung tâm phải được UBND TP xác định; Trung tâm có được giao nhiệm vụ điều hành hết toàn bộ các xe cấp cứu trên địa bàn TP hay không chứ không phải chờ ý kiến của Sở Y tế, UBND TP. Hiện 250 xe cấp cứu đang nằm trong các bệnh viện, đó là chưa kể các xe tư nhân (tổng cộng khoảng 600 chiếc), Trung tâm có điều hành được khi cần?
Theo TS-BS Lê Trường Giang, số ca cấp cứu cứu, vận chuyển mà Trung tâm làm được chỉ chiếm 1% so với các ca cấp cứu phải nhập viện; 99% còn lại tự thân vận động, được không được là do người dân. Nếu lên 10% nhu cầu thì Trung tâm chắc chắc sẽ không làm được. Do vậy phải làm đề án để thấy nhu cầu và đáp ứng nhu cầu này.
"90% số ca được cấp cứu là phải đến bệnh viện, như vậy chúng ta thấy được suy nghĩ, thói quen của người dân là gần chết mới gọi cấp cứu. Phải làm sao cho người dân hiểu được là 10 ca cấp cứu chỉ có 1 ca nhập viện, đó là gọi cấp cứu chăm sóc sớm", ông Giang nói.
"Cần quảng bá Trung tâm cho người dân biết nhiều hơn nữa. Đo lường sự tín nhiệm của người dân đối với Trung tâm và các trạm vệ tinh; mở rộng ra các bệnh viện tư nhân tham gia vào hệ thống cấp cứu 115, vì vấn đề kẹt xe như hiện nay thì phát huy thế mạnh là rất quan trọng. Gắn với việc dự báo, thu hút nguồn nhân lực ra sao, đặc biệt là bác sĩ thì Trung tâm phải đề xuất. Sở Y tế TP cần làm việc với Bộ Giáo dục, Bộ Y tế để cấp mã ngành đào tạo về cấp cứu để phục vụ cho TP, mỗi năm khoảng 50 chỉ tiêu", bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban văn hóa — Xã hội, HĐND TP nói. Bà chỉ đạo giám đốc Trung tâm làm báo cáo đầy đủ hơn về cơ chế tài chính, thu nhập bình quân người cao nhất, người thấp nhất của cán bộ công nhân viên và đề nghị những gì gửi cho TP xem xét.
Nguồn: thanhnien