Vụ tử vong do ngạt khí: Kinh hãi phút giây cướp đi sinh mạng 3 thủy thủ

Nghe tiếng kêu cứu của anh Nguyễn Đức Quân và Phạm Trọng Hòa vang vọng dưới hầm tàu, anh Bách Văn Sáu vội vã mang theo dây thừng lao xuống hầm để cứu đồng đội. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 phút, làn khí gas được cho phát sinh từ các vết mật mía cũ đọng lại trong hầm đã cướp đi cả 3 sinh mạng.
Sputnik

Khuôn mặt thẫn thờ, máy trưởng tàu Thành Công 98, anh Phạm Văn Hòa (42 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa), nhớ lại, ngày 25/3, tàu chúng tôi cùng 12 người khởi hành từ tỉnh Đồng Nai (không chở hàng) và điểm cuối cùng là cập cảng ở Bình Định để lấy mật mía từ cảng xuống tàu.

Vụ cháy chung cư làm 13 người tử vong: Cái chết được báo trước?

Theo anh Hòa, khác với những lần trước, chuyến tàu này liên tục gặp rắc rối trên đường di chuyển. Máy tàu gặp sự cố buộc tàu phải nằm ở Vũng Tàu 2 ngày, khắc phục xong thì máy tàu lại tiếp tục hư hỏng, vì vậy phải neo đậu ở Bình Thuận. Đến ngày 9/4, tàu di chuyển đến địa phận tỉnh Ninh Thuận thì bất ngờ gặp gió lớn nên phải cập cảng đợi 7 giờ đồng hồ.

Khoảng 8h sáng nay (11/4), tàu mới cập cầu cảng Công ty CP Tân Cảng miền Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) để chở mật mía tại cảng. Như mọi hôm, nhiều thành viên trên tàu thay phiên nhau xuống hầm tàu để kiểm tra van, đường ống trước khi đưa hàng lên tàu.

Khi lực lượng cứu hộ cứu nạn đưa 3 thủy thủ ra ngoài thì họ đều đã tử vong.

"Ban đầu, anh Nguyễn Đức Quân và Phạm Trọng Hòa xuống hầm để kiểm tra thì gặp khí gas phát sinh từ những vết mật mía chuyến hàng trước còn sót lại. Nghe tiếng kêu cứu dưới hầm, anh Bách Văn Sáu vội vã mang theo dây thừng lao xuống nhưng anh Quân và Hòa đã bị ép khí, ngất lịm không thể cầm lấy dây được. Khí gas từ mật mía quá mạnh, khiến anh Sáu cũng rơi xuống hầm. Tôi nhớ chỉ chừng khoảng 2 phút, khí gas đã cướp đi 3 sinh mạng trên tàu, chẳng còn ai có thể kêu cứu được nữa", anh Hòa kể lại.

Rò rỉ khí amoniac khiến nhiều người nhập viện, chó gà chết ngạt khí
Theo các thủy thủ trên tàu, ngay sau sự cố, thuyền trưởng Nguyễn Đức Tuấn cũng đã lao xuống hầm để tìm cách cứu người. Thế nhưng, khi đi giữa đường thì khí từ hầm bốc lên ngùn ngụt, khiến anh Tuấn không thở được, đành cố gắng leo lên thoát khỏi hầm.

"Hầm chỉ sâu khoảng 5m, thế nhưng làn khí này quá đáng sợ, có mùi nồng nặc, gây khó thở. Thực sự, chúng tôi không biết phải làm gì cả, nếu có xuống hầm để cứu người thì chắc chắn con số tử vong sẽ không dừng lại", anh Hòa buồn bã nói.

Anh Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, thành viên tàu Thành Công 98) cho hay, đa phần những người đi trên tàu đều quê ở Thanh Hóa và có gốc gác họ hàng với nhau. Đã đi nhiều chuyến biển, cùng nhau trải qua khó khăn nên anh em trên tàu rất hiểu và có cách hỗ trợ ứng phó với tai nạn bất ngờ.

"Nhưng, lần này đáng sợ thật, anh em đứng thành tàu nghe tiếng kêu cứu nhưng bất lực. Chúng tôi chỉ biết gào thét, kêu cứu trong tuyệt vọng. 30 phút sau, Cảnh sát có mặt tại hiện trường, họ xuống hầm vớt lên thì mới biết 3 đồng đội của chúng tôi đã tử vong. Quá đau xót", anh Hùng gạt nước mắt.

Liên quan đến vụ việc trên, Sở LĐ-TB-XH Bình Định cho biết, đang thành lập đoàn thanh tra gồm Thanh tra Sở, Công an tỉnh, lãnh đạo Công ty CP Tân Cảng Miền Trung, thuyền trưởng tàu Thành Công 98… để thanh tra, xác minh vụ việc.

Trước đó, Báo điện tử Tài nguyên — Môi trường đã đưa tin, tàu Thành Công 98 chở mật mía cập cầu cảng Công ty CP Tân Cảng miền Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) vào lúc 8h30 ngày 11/4 để chở hàng. Trưa cùng ngày, 9 thuyền viên trên tàu gồm thủy thủ, thợ máy khi xuống boong tàu để rửa hầm hàng đã bất ngờ bị ngạt khí khiến 3 người tử vong. 3 nạn nhân được xác định là Nguyễn Đức Quân, Phạm Trọng Hòa (thủy thủ) và Bách Văn Sáu (thợ máy).

Theo: Báo Tài Nguyên & Môi Trường

Thảo luận