Tại buổi giao lưu gặp mặt với các phóng viên Việt Nam tại Hà Nội sáng 13/4, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bà Doãn Hải Hồng, giới thiệu những thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc sau "lưỡng hội" (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) diễn ra hồi tháng 3.
Trước băn khoăn của nhiều người rằng có phải Trung Quốc đang theo đuổi bá quyền và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, muốn sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi trật tự thế giới hay không, bà Doãn nói rằng Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc vừa được thông qua xác định "Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, đi theo con đường phát triển hoàn toàn khác so với các nước lớn trên thế giới. Chúng tôi có ý nguyện chính trị trung thành là cùng phát triển, cùng phồn vinh, hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước trên thế giới", bà Doãn nói.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam về chủ trương giải quyết những khúc mắc trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đại biện lâm thời Trung Quốc nhắc lại quan điểm của nước này rằng sẽ kiên trì chính sách đối thoại với các nước có tranh chấp trực tiếp.Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam là các nước trên thế giới đều có lợi ích ở biển Đông ở mức độ khác nhau, các nước phải chung tay bảo vệ lợi ích của chính họ và vì thế cũng là lợi ích các nước. Đó là an toàn hàng hải, an ninh biển, tự do đi qua và bay qua, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển. Tranh chấp lãnh thổ chỉ có một số nước liên quan, nhưng hòa bình ổn định thì cả khu vực Đông Nam Á, Đông Á, cả thế giới này đều ảnh hưởng vì lợi ích của tất cả.
Về những câu hỏi liên quan đến các hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, bà Doãn nói rằng Trung Quốc thực hiện các hoạt động trên biển "phù hợp với luật pháp quốc tế" và "không nhằm vào Việt Nam hay các nước láng giềng". Liên quan đến đợt tập tại 7 điểm mà Trung Quốc vừa triển khai trên biển Đông, bà Doãn nói Trung Quốc kiên định đi theo con đường "phát triển hòa bình".
"Chúng tôi có khả năng bảo vệ hòa bình. Tăng cường năng lực bảo vệ hòa bình cũng là điều dễ hiểu", bà nói.
Đại biện lâm thời Trung Quốc cho rằng quan hệ Việt — Trung đang trên đà phát triển tốt đẹp và hai nước nên tập trung nâng cao tốc độ, hiệu quả hợp tác.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc (gần 23 tỷ USD trong năm 2017), bà Doãn nói rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ các nước. Bà Doãn cho biết, trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vừa diễn ra tại đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra 4 biện pháp để mở cửa hơn nữa nền kinh tế và tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ các nước, trong đó có việc Trung Quốc hoan nghênh các nước tham gia hội chợ nhập khẩu quốc tế đầu tiên mà nước này tổ chức vào tháng 11 tại Thượng Hải. Trung Quốc đã mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam dẫn đoàn sang tham dự hội chợ này.
Về các dự án hạ tầng Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Vành đai — Con đường, bà Doãn nói rằng, hai bên đang thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp. Năm 2015, Trung Quốc tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 1 tỷ nhân dân tệ. Năm 2017, Trung Quốc tuyên bố viện trợ 600 triệu nhân dân tệ cho Việt Nam trong 3 năm tiếp theo. Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ viện trợ 60 triệu nhân dân tệ cho Việt Nam. Những khoản viện trợ này đều nằm trong khuôn khổ Vành đai-Con đường, bà Doãn nói.
Trung Quốc hoàn tất đợt tập trận lớn kỷ lục trên biển Đông
Giới quan sát cho rằng, trước đây hải quân Trung Quốc chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng thủ và hạn chế hoạt động ở các khu vực gần bờ, nhưng trong đợt tập trận lần này họ đã thể hiện năng lực vươn ra các vùng biển xa và đại dương, nghĩa là họ có thể triển khai lực lượng ra những vùng như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhưng hoạt động của lực lượng này trên biển Đông mới là thách thức lớn nhất khi Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu khắp vùng biển này và chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
"Hải quân Trung Quốc đang ở đó và họ sẽ ở đó", ông Koh nói.
Đợt tập trận này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ — Trung đang căng thẳng vấn đề thương mại, nhưng giới phân tích cũng chờ đợi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cứng rắn hơn trong chính sách biển Đông. Đội tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt vừa đến Manila, Philippines, hôm 11/4 để thực hiện chuyến thăm theo kế hoạch. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa chuyển tải các thông điệp về chính sách kinh tế của mình tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Hải Nam là cách để gửi thông điệp rõ ràng ra thế giới, theo ông Koh.
"Điều này là để nhấn mạnh rằng Trung Quốc không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là một cường quốc quân sự và hải quân", ông Koh nói.
Theo: Tiền Phong