Nhà, đất 20 Bạch Đằng thuộc sở hữu nhà nước do Công ty Quản lý nhà quản lý, ký hợp đồng cho Công ty CP Cung ứng tàu biển thuê sử dụng, với diện tích 1.331,4 m2. Tháng 3-2009, Công ty CP Cung cứng tàu biển xin mua, đồng thời xin giảm hệ số sinh lợi (HSSL) từ 1,6 xuống còn 1,3.
Tính lại giá trị, nhà đất 3 lần
Đến tháng 4-2009, Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh đồng ý điều chỉnh giảm HSSL về đất tại 20 Bạch Đằng từ 1,6 còn 1,3 và bán giá 22,8 tỉ đồng. Sau đó, Công ty CP Cung ứng tàu biển xin đổi tên người nhận chuyển quyền sử dụng đất tại 20 Bạch Đằng cho ông Nguyễn Quang Thành (người thân ông Phan Văn Anh Vũ — Vũ "nhôm"), với lý do công ty liên danh hợp tác với ông Thành để đầu tư. Và cuối cùng đến 2011, ông Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất.
Theo quy định thì nhà, đất tại số 20 Bạch Đằng thuộc đối tượng phải xây dựng phương thức và đơn giá bán tại thời điểm bán để trình HĐND thành phố thông qua. Qua đó, việc Công ty Cung ứng tàu biển được giảm HSSL và tính lại giá trị, nhà đất 3 lần liên tục mà không thông qua HĐND cùng cấp là không đúng quy định làm lợi trực tiếp cho ông Nguyễn Quang Thành (em vợ của ông Phan Văn Anh Vũ) với số tiền 11,793 tỉ đồng. Về việc giảm 10% giá trị quyền sử dụng đất cũng không đúng quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền 2,280 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhà, đất tại 34 Hoàng Văn Thụ, chủ tịch Trần Văn Minh đồng ý điều chỉnh giảm HSSL khu đất tại 34 Hoàng Văn Thụ từ 1,4 xuống còn 1,2 và được bán với giá 12,560 tỉ đồng cho Công ty TNHH IVC (của Vũ "nhôm"). Trong khi đó, nhà, đất 47 Nguyễn Thái Học thì được Công ty TNHH Minh Hưng Phát (của Vũ "nhôm") trực tiếp mua và được giảm HSSL từ 1,4 lần xuống còn hệ số 1,2.
Nhiều sai phạm thời chủ tịch Văn Hữu Chiến
Tháng 4-2012, Chủ tịch Văn Hữu Chiến và các phó chủ tịch UBND thành phố đồng ý chủ trương theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc bán nhà và chuyển quyền sử đất thuộc sở hữu nhà nước tại 121 Phan Châu Trinh cho Công ty CP Công nghệ phẩm. Ngoài ra, vụ mua bán khu đất 3 mặt tiền: 2/9 — Phan Thành Tài — đường quy hoạch, cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (của Vũ "nhôm") cũng nằm trong giai đoạn 2012. Hiện nay, khu đất này đang bị thanh tra.
Đặc biệt, cuối năm 2011, UBND TP Đà Nẵng có công văn chuyển giao khu đất "vàng" bốn mặt tiền ở trung tâm thành phố (bao gồm cả SVĐ Chi Lăng) cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh. Theo dự án, Tập đoàn Thiên Thanh mua khu đất vàng, mà trung tâm là sân Chi Lăng để biến nơi đây thành khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch, văn phòng, khách sạn… với số vốn hơn 1 tỉ USD.
Hiện nay, sau khi ông Phạm Công Danh bị xử tù, dự án này vẫn "treo" giữa lòng thành phố Đà Nẵng khiến người dân vô cùng bức xúc. Và dù, hiện nay lãnh đạo Đà Nẵng rất muốn thu hồi nhưng cũng quá khó, vì 10 sổ đỏ đã cầm ngân hàng với số tiền quá lớn trên 4.000 tỉ đồng.
Đất công bán giá bèo
Ngoài nhà, đất công sản, nhiều dự án được bán cho các công ty của Vũ "nhôm" hoặc có dính đến Vũ "nhôm" cũng trong giai đoạn ông Trần Văn Minh làm chủ tịch và đang bị thanh tra vì nghi sai phạm. Dự án khu đô thị Harbour Ville của Công ty Mega (năm 2008); Dự án Phú Gia Compound, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (mua bán 2007 và năm 2009 chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất sang cho người thân ông Phan Văn Anh Vũ); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010) hay Công viên An Đồn (năm 2010) cũng của Vũ "nhôm".
Theo: NLĐ