Trước đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra lệnh trừng phạt với công ty Trung Quốc ZTE, cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho công ty này. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia nêu ý kiến rằng, lệnh trừng phạt ZTE làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Có vẻ là Mỹ rất lo lắng về việc họ có thể bị thua trong sự cạnh tranh với Trung Quốc trong một số nhóm ngành công nghệ cao. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Michael Pence đã thừa nhận điều đó khi phát biểu tại Hội nghị chuyên đề vũ trụ ở Colorado Springs vào ngày thứ Hai. Ông tuyên bố, "Hoa Kỳ sẽ đạt được sự thống trị trong vũ trụ để ngăn chặn và đánh bại các mối đe dọa liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí chống vệ tinh Nga và Trung Quốc". Văn phòng báo chí Nhà Trắng trích dẫn lời tuyên bố của Michael Pence. Câu nói này phản ánh tình trạng hoảng loạn trong chính quyền Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc đang thực hiện những bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ cao. Các nhà quan sát lưu ý, như thường lệ, các cường quốc vũ trụ không giới thiệu công khai kế hoạch của mình trong một lĩnh vực rất nhạy cảm như thành phần quân sự của chương trình vũ trụ.
Lệnh trừng phạt công ty ZTE mà không có những giải thích rõ ràng là một trong những phương pháp giành chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh với Trung Quốc. Công ty Trung Quốc đã bị cấm cung cấp sản phẩm của họ cho Mỹ và bị cấm đưa ra khỏi Mỹ các thiết bị được lắp ráp cùng với các công ty của Hoa Kỳ. Như được biết, ZTE mua trên thị trường Mỹ từ 25 đến 30% số linh kiện sử dụng trong các thiết bị của công ty, kể cả các thiết bị mạng và smartphone.
Đáp trả các đối tác Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã so sánh quyết định của họ với hành động "gậy ông đập lưng ông" và nhắc nhở rằng ZTE đã phát triển hợp tác thương mại và đầu tư với hàng trăm công ty Mỹ. Nhờ đó, hàng chục nghìn công ăn việc làm đã được tạo ra tại Hoa Kỳ, đó chính là mục tiêu của Donald Trump trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Phía Trung Quốc đã nhận xét rất đúng rằng, ở Mỹ không có môi trường pháp lý và chính trị ổn định và công bằng trong quan hệ với các công ty Trung Quốc.
Theo ý kiến của ông Li Kai, chuyên gia tại Đại học Tài chính Sơn Tây, hành động của Mỹ cho thấy rằng, Washington đang cố gắng kiềm chế và trừng phạt Trung Quốc:
Trong danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp đặt mức thuế bổ sung có cả các sản phẩm công nghệ cao, nhưng, trước đây Mỹ không nêu tên các công ty cụ thể của Trung Quốc. Tháng Ba năm ngoái, cuộc tranh chấp giữa chính phủ Mỹ và ZTE của Trung Quốc đã kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình. Nhưng, bây giờ Hoa Kỳ lại một lần nữa nêu lên vấn đề cũ, đưa cuộc xung đột lên một tầm cao mới. Một trong những nguyên nhân chính của cuộc chiến thương mại là ý muốn của Mỹ ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện chiến lược "Made in China 2025", để Trung Quốc không thể đuổi kịp và vượt Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao. Chính bởi vậy họ đã đưa ra lệnh cấm phát triển hợp tác giữa ZTE của Trung Quốc và các đối tác Hoa Kỳ.
Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt chống lại những công ty khác của Trung Quốc. ZTE của Trung Quốc chỉ là công ty đầu tiên trong danh sách này. Đồng thời, các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc gây hại cho sự phát triển của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ở đây có một mâu thuẫn: một mặt, Hoa Kỳ muốn gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc để làm giảm thâm hụt cán cân thương mại. Mặt khác, Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại doanh nghiệp Trung Quốc, và cấm các công ty Mỹ cung cấp sản phẩm của họ cho các cơ sở lắp ráp của ZTE. Trên thực tế, những hành động như vậy chỉ làm gia tăng thâm hụt thương mại, đây là một mâu thuẫn rất nghiêm trọng.
Ở đây nói không chỉ là về lệnh trừng phạt một công ty Trung Quốc, mà về một mảnh con trong bức tranh mô tả quan hệ thương mại Trung-Mỹ, mà Mỹ muốn vẽ bức tranh này theo cách của riêng mình, — chuyên gia của Viện Thị trường chứng khoán và quản lý Mikhail Belyaev nhận xét:
Trung Quốc đang bước tới vị trí hàng đầu trên thế giới không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp. Bắc Kinh đang cố gắng chiếm ưu thế trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Về mặt này, có thể so sánh Trung Quốc với Nhật Bản. Vào những năm 60-70 thế kỷ trước, nước Nhật đã là "điều kỳ diệu của châu Á" và đã thực thi chiến lược và chiến thuật "luôn đứng ở vị trí thứ hai", dù có thành công nhưng vẫn đứng ở vị trí thứ hai. Trung Quốc không muốn đóng vai trò như vậy, Bắc Kinh đang cố gắng vượt lên hàng đầu.
Trong không gian kinh tế mới, vị thế hàng đầu trong tiến bộ khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định. Đồng thời, các ngành khác của nền sản xuất hàng hóa cũng sẽ được trang bị lại trên cơ sở công nghệ cao. Mục tiêu của Mỹ là không chỉ đè bẹp Trung Quốc trong các ngành công nghiệp truyền thống. Hoa Kỳ giáng đòn trừng phạt: đến thời điểm này là các biện pháp trừng phạt riêng lẻ được cân nhắc kỹ lưỡng đối với các công ty Trung Quốc đang đi đầu trong tiến bộ khoa học và công nghệ và là động lực của sự tiến bộ này. Các biện pháp này được áp dụng trước hết để tạo ra những lợi thế cạnh tranh đơn phương trên thị trường Mỹ cũng như trên thị trường toàn cầu. Nhiệm vụ cuối cùng là tiêu diệt hoàn toàn đối thủ cạnh tranh.