Tình khúc bạch dương: Bức tranh ảm đạm về người Việt ở Liên Xô cuối những năm 1980

“Tình khúc bạch dương” khiến người xem thất vọng là do kịch bản và cách làm phim chưa chuyên nghiệp. Phim giống một toà nhà cơi nới, xây bằng gạch chưa nung kỹ, nhưng lại quảng cáo như những căn hộ cao cấp.
Sputnik

Khi phim "Tình khúc bạch dương" (TKBD) vừa phát sóng, tôi rất thất vọng. Bài bình luận của tôi nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ phía anh chị em lưu học sinh (LHS) trên toàn Liên Xô. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, còn quá sớm để phê phán, nên xem thêm và đọc tiểu thuyết "Tình khúc Lavanda" (TKLVD) rồi hãy bình luận về phim Tình khúc bạch dương.

Tôi kiên nhẫn đọc xong cuốn TKLVD và xem hết 22 tập phim. Tôi vẫn thất vọng vì 13 tập đầu là một bức tranh vô cùng ảm đạm và thiếu tính điển hình về hầu hết các nhân vật đại diện cho cộng đồng Việt tại Liên Xô hồi đó.

LHS là những sinh viên được chọn lựa cả về học lực lẫn nhân cách. Tuy nhiên, Hùng, sinh viên khoa Toán, bỏ học, đi buôn, trốn visa, bị cảnh sát rượt đuổi, dối thầy, lừa bạn, lợi dụng tình cảm của An để mượn tiền đi buôn, trấn cả chiếc quần jeans của bạn để xiết nợ, bị cô giáo khiển trách.

An là hình ảnh rất tiêu cực về nữ sinh học ở Nga: Từ cách ăn mặc loè loẹt cho đến lời ăn tiếng nói.

Vân, cô sinh viên khoa Sử dịu dàng, quan tâm đến bạn bè, nhưng bàng bạc, nhạt nhoà.

Quang, sinh viên khoa Ngôn ngữ, cũng mờ nhạt vì tâm lý, tính cách của anh chỉ được thể hiện qua lời thoại đơn điệu, buồn tẻ và khô cứng.

Còn mấy cậu sinh viên ở cùng Hùng thì nhếch nhác, tham gia các trò trêu ghẹo, cùng Hùng lừa cô An, chọc Quyên, lừa cô giáo.

Tóm lại, cả tuyến nhân vật LHS không thể hiện được chút tính cách, trí tuệ nào của một thế hệ thanh niên ưu tú.

Quyên và Hiền là thực tập sinh, sang Nga học ngắn hạn. Quyên là một cô gái đỏng đảnh, hay hờn dỗi, có một chút "bạo lực" trong cách ứng xử, khi cô nghiến răng, trợn mắt nói với bạn mình: "Con kia… Ơ cái con này…" hoặc nổi xung với chị gái và bạn bè.

Hiền thì chuyên tâm vào buôn bán hơn là học tập. Cả hai cô coi 9 tháng là đi tham quan, không có áp lực học hành và học kém, khi nghe cô bạn Nga nói mà không hiểu gì. Chẳng lẽ sinh viên học khoa Nga, cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, mà kém cả về kiến thức lẫn ý thức học hành như thế sao?

Phim không lột tả được đời sống sinh viên gồm học tập, nghiên cứu khoa học, hay các hoạt động thể thao văn hoá. Những khung cảnh như lớp học, giảng đường, thư viện, phòng đọc trong ký túc xá hầu như không có trong phim. Loanh quanh chỉ toàn chuyện tình ái, ghen tuông, buôn bán, lừa lọc.

Hàng ngàn công nhân xuất khẩu mà không có lấy một nhân vật nào tích cực đại diện cho họ. Bình, gã đơn vị trưởng, thô lỗ, cậy quyền thế, gây áp lực, lợi dụng phụ nữ. Cô Hoa, Đội trưởng, có chồng con ở nhà, vẫn quan hệ bất chính với ông đơn vị trưởng để lợi dụng về vật chất. Cô còn yêu thương và săn sóc một anh nghiên cứu sinh để lấp đầy khoảng trống cô đơn nơi xứ người.

Cô Ngân, phiên dịch, cũng có chồng con ở nhà, nhưng yêu một anh Việt để lợi dụng về vật chất và yêu một anh Nga, lợi dụng về tình cảm.

Lâm — một nghiên cứu sinh,  thuộc tầng lớp trí thức đỉnh cao được mô tả như một anh chàng bất tài vô dụng, nghiên cứu không nổi, đi buôn cũng không xong. Lâm lợi dụng lòng tốt của Hoa, rồi cũng tập tành đi buôn, bị lừa, bị bắt, kết cục là bị trục xuất, rồi trốn ở lại, thành kẻ lưu vong.

TKBD không mang tính nhân văn và không có tính giáo dục vì từ hành vi đến tính cách, hầu như không ai là nhân vật tích cực. Tính giáo dục ở đâu khi người xem, đặc biệt là thanh niên thời nay thấy chẳng cần học hành như Hùng và Quyên, vẫn trở thành doanh nhân thành đạt, đời sống khá giả? Tệ hơn nữa là hình ảnh của những người phụ nữ đi xuất khẩu lao động như Hoa và Ngân, vô đạo đức, ngược lại các giá trị về nhân phẩm. Liệu người xem có tôn trọng những người đi lao động xuất khẩu khi biết họ đã từng bán rẻ nhân cách để đổi lấy những thùng hàng gửi về gia đình? Và thế hệ trẻ có dám tự hào về trí thức Việt du học ở Nga, chỉ là những kẻ không học hành mà chỉ buôn bán lọc lõi như Hùng?

Phim nhiều chi tiết không có thật, hoặc không điển hình. Ví dụ, việc bạn hàng đánh điện đề nghị gửi 10 chiếc quần bò, rồi bức điện được bà trực nhật đưa cho cô giáo Anna, để cô gọi Hùng lên phê  bình về việc trốn học đi buôn. Chẳng có ai đi buôn lại khơi khơi đánh điện như thế. Sinh viên là người trưởng thành, giáo sư không quản lý họ về việc nghỉ học, gọi lên phê bình như vậy. Một phân cảnh khác khi Hùng bị cảnh sát rượt đuổi ở ga, tình cờ gặp cô Anna, cô nói với cảnh sát rằng Hùng là học trò để cảnh sát tha cho Hùng — thật vô lý, vì trí thức Nga chắc không bênh vực sinh viên Việt Nam đi buôn lậu và cứu sinh viên khỏi tay cảnh sát. Mà cảnh sát cũng không vì nể cô giáo để tha cho một kẻ tình nghi. Nước Nga có luật pháp và người Nga, nhất là trí thức,  tuân thủ pháp luật.

Một thiếu sót lớn là không có đại diện của người miền Nam và miền Trung. Sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ vùng miền đã tạo ra một bức tranh sinh động của đời sống sinh viên. Tuy nhiên, nhân vật toàn là người Bắc. Sinh viên từ miền Trung và Nam nghĩ sao khi không có hình ảnh của họ trong phim?

Về thiết kế bối cảnh trong phòng Hùng, những bức ảnh treo trên tường cũng loanh quanh với hình của Alla Pugacheva và Sophia Rotaru, hai ca sĩ nổi danh thời đó. Có một bức hình của Alla Pugacheva, chụp khoảng năm 2000 trong khi bối cảnh của phim là cuối những năm 80. Sách vở thì vài cuốn nghèo nàn.

Về ngôn ngữ, phong cách lời nói của nhân vật không giống sinh viên thời đó, mà toàn mắng nhiếc và cao giọng. Khi nhân vật nói tiếng Nga thì còn phản cảm nữa. Ví dụ, hầu như không một ai phát âm đúng tên thành phố Krasnodar (kras-na-đAr —trọng âm ở âm tiết cuối).  Quyên chuyên về tiếng Nga mà phát âm Krat-nô-đa và "Mê-chô"(metro); Diệu Anh sinh ra ở Nga mà nói: "bảo tàng Hơ-mi-tết (Hermitage), sao lại nói tiếng Anh? và phát âm tiếng Anh cũng chưa chuẩn.

TKBD khiến người xem thất vọng là do kịch bản và cách làm phim chưa chuyên nghiệp. Những phim truyền hình thành công như "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử", "Cả một đời ân oán",  thì kịch bản toàn mua của nước ngoài. Kịch bản TKBD được "Phóng tác theo tiểu thuyết "Tình khúc Lavanda" của nhóm sáng tác FBKN". Xét về thể loại,"Tình khúc Lavanda" (TKLVD) không phải là tiểu thuyết. Đây chỉ là câu chuyện tình lãng mạn, những mối quan hệ tay ba, tay tư, chứ chưa mô tả được một bức tranh rộng lớn của xã hội. Những xung đột mâu thuẫn, nút thắt, tạo ra các cao trào, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và làm cho họ suy ngẫm về những vấn đề tác giả đặt ra như một tiểu thuyết văn học.

Truyện "Tình khúc Lavanda" không giống với nội dung phim, ngoại trừ tên của bốn nhân vật Hùng, Quyên, Quang, Vân và chuyện tình tréo ngoe của họ trải dài trong gần 30 năm. Truyện TKLVD là trải nghiệm của thực tập sinh tiếng Nga (Hùng, Quyên và Vân) và lưu học sinh (Quang) trong khi phim TKBD mô tả cả cộng đồng người Việt. Nếu các nhà làm phim chỉ dựa theo truyện TKLVD, có lẽ sẽ có một bộ phim na ná "Moskva mùa thay lá", một nét chấm phá về thực tập sinh tiếng Nga. Dường như ê-kíp làm phim muốn xây một toà nhà 36 tầng, nhưng lại bắt đầu bằng một cái móng nhà 3 tầng. Vì thế, phim TKBD giống một toà nhà cơi nới, xây bằng gạch chưa nung kỹ, xi măng chưa đủ chất lượng, chưa kết dính được các viên gạch vào nhau để có một toà nhà ưng ý, nhưng lại quảng cáo như những căn hộ cao cấp.

Làm phim về người Việt ở Nga vào cuối thập niên 80 giống như làm phim "lịch sử" mà nhân chứng còn đây. Một ví dụ về phim "lịch sử" là phim "Love and Mercy", kể về cuộc đời của Bryan Wislon, linh hồn của ban nhạc đình đám những năm 60 "Beach Boys". Sau khi phim trình chiếu, hai diễn viên thủ vai chính nói rằng họ chịu áp lực lớn vì đóng nhân vật mà công chúng đều biết. Nhưng họ đã hoàn thành vai diễn xuất sắc, nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng và ê-kíp làm phim chuyên nghiệp. Một ví dụ nữa là phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh (2009). Matt Korsch, một diễn viên trẻ người Mỹ, sinh ra sau chiến tranh, không biết Việt Nam là xứ nào, nhưng vào vai Fred rất ngọt khiến ông Fred như nhìn thấy chính mình của 40 năm về trước. Tôi nghĩ, kịch bản, đạo diễn, cố vấn và nỗ lực của diễn viên đã tạo ra thành công.

Có thể có ý kiến cho rằng: "Làm sao theo được Hollywood!", hoặc "so làm sao được với đạo diễn Đặng Nhật Minh". Nhưng nếu không nhìn ra thế giới, không học các đạo diễn gạo cội, không nghiên cứu kỹ, không có một đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp, thiếu những cố vấn dày dạn kinh nghiệm và biết lắng nghe ý kiến xây dựng, thì đây là một dự án rất khó. Điều này dẫn đến việc, diễn viên dù có tài mấy, nỗ lực bao nhiêu thì diễn cũng bị phô.

Tóm lại, phim TKBD với mục đích mô tả cộng đồng người Việt ở Nga, đầu tư không ít thời gian, tiền bạc và công sức, mà người trong cuộc không thấy mình ở đó thì rõ là không thành công. Có ý kiến cho rằng nên đổi tên phim là "Từng khúc bạch dương" để cho vào lò đốt.

Làm việc trong lĩnh vực quảng bá văn hoá Việt cho người nước ngoài, đồng thời trải nghiệm đời sống sinh viên ở Liên Xô trong thời gian 1980-1986, tôi thấy mình có trách nhiệm phải xem và viết. Là người yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy và mong muốn nền điện ảnh nước nhà theo kịp thế giới, tôi hy vọng những ý kiến mang tính xây dựng có thể giúp các nhà làm phim rút kinh nghiệm, tạo ra những tác phẩm thực sự có chất lượng và không lãng phí tiền bạc của nhân dân.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Nguồn: Nguoiduatin

Thảo luận