Vùng Sverdlovsk trong Khu liên bang Ural và thủ phủ Yekaterinburg có đủ cơ sở để chào đón Ngày giải phóng Miền Nam cùng với các bạn Việt Nam. Chính Yekaterinburg là nơi thành lập hai trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội Liên Xô vào mùa xuân năm 1965 đã được gửi đến Việt Nam để tham gia chiến đấu chống máy bay Mỹ và huấn luyện các binh sĩ tên lửa của Việt Nam. Hàng trăm chuyên gia quân sự xuất thân từ thành phố Yekaterinburg và vùng Sverdlovsk đã chiến đấu ở Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia tên lửa Valery Skoryak, Chủ tịch chi nhánh Ural của Hội Cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam, nói rằng, tất cả chúng tôi đều coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Đối với chúng tôi, không thể có thái độ nào khác đối với đất nước này. Bởi vì những người Việt Nam đang chiến đấu, những người đã trải qua những thử thách nặng nề nhất, đã đón chúng tôi như những người anh em và đã đặt nhiều kỳ vọng vào các quả tên lửa của chúng tôi. Và chúng tôi không phụ lòng hy vọng của họ.
Các chuyên gia tên lửa từ Yekaterinburg đã tham gia trận đánh đầu tiên với máy bay Mỹ vào ngày 24 tháng 7 năm 1965, cách Hà Nội 50 km về phía đông bắc. Sau đợt phóng tên lửa, trong số bốn máy bay Mỹ chỉ còn một chiếc sống sót. Trong một trận đánh khác, hai máy bay ném bom bị bắn hạ bởi một quả tên lửa. Từ năm 1965 đến 1975, các chuyên gia quân sự từ Yekaterinburg đã tiêu diệt mấy trăm máy bay địch, huấn luyện hàng nghìn binh sĩ tên lửa của Việt Nam. Và tất cả họ đều nhớ rõ những năm tháng đó.
Trong năm 1965 đại tá Leonid Kushnar đã tìm một ngôi nhà ở ngoại ô Hà Nội để bố trí phòng thí nghiệm kiểm tra thiết bị của các tổ hợp tên lửa. Ông đã lựa chọn một ngôi nhà nhỏ với hàng rào thấp bên cạnh một cái cây cao. Đại tá Kushnar đã báo cáo với ban chỉ huy quân đội Việt Nam về sự lựa chọn này. Vì một lý do nào đó câu trả lời không đến ngay lập tức. Và sau khi nhận được sự đồng ý, hóa ra rằng, họ đã phải hướng tới bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi vì ngôi nhà nhỏ bé là nhà ở ngoại thành Hà Nội của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: nếu ngôi nhà này là cần thiết cho chiến thắng thì hãy lấy nó và bố trí phòng thí nghiệm ở đó. Còn Đại Tá Viktor Konkin vào ngày 7 tháng 9 năm 1969 đã danh dự được đứng gác bên Bác.
Chúng tôi duy trì mối liên hệ với các binh sĩ Việt Nam, — ông Valery Skoryak, Chủ tịch chi nhánh Ural của Hội Cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam, nói. — Theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam, tất cả các cựu chiến binh của Hội chúng tôi đã đến thăm Việt Nam, đến những nơi mà chúng tôi từng chiến đấu, gặp gỡ đồng đội, thấy được những thiết bị quân sự mới mà Nga cung cấp cho Việt Nam, bao gồm cả hệ thống tên lửa S-300. Hội cựu binh của chúng tôi đã phát hành năm cuốn sách và bốn bộ phim về Chiến tranh Việt Nam, khâm phục chủ nghĩa anh hùng của các binh sĩ và nhân dân Việt Nam, phản ánh phần đóng góp của các chuyên gia quân sự Nga vào đại thắng của họ. Chúng tôi cũng đã phát hành kỷ niệm chương 60 năm tổ hợp tên lửa S-75, mà hệ thống này cũng đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam, một số kỷ niệm chương đã được gửi đến Việt Nam và được chuyển giao cho các đồng đội của chúng tôi.
Trên mặt trái của kỷ niệm chương có dòng chữ: "Vì sử dụng thành công kỹ thuật quân sự và phát huy truyền thống chiến đấu". Những kỷ niệm chương như vậy cũng sẽ được trao tặng cho các cựu chiến binh Việt Nam sẽ đến Yekaterinburg vào ngày 9 tháng 5 để tham gia kỷ niệm một chiến thắng vĩ đại khác — chiến thắng của nhân dân Xô Viết chống nước Đức phát xít. Và những cựu chiến binh Yekaterinburg tổ chức lễ kỷ niệm ngày đại thắng 30\4, sẽ gửi phái đoàn đến Hà Nội vào tháng 9 để tham gia Lễ kỷ niệm 73 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.