Vận dụng sáng tạo tư tưởng Các Mác vào cách mạng Việt Nam

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Các Mác vào thực tiễn. Đó là cội nguồn đem lại hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giúp dựng xây nên nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển.
Sputnik

Ngay trong tác phẩm "Đường cách mệnh" năm 1927, khi cắt nghĩa hai chữ "cách mệnh", lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh. Ông ấy nghiên cứu rõ ràng tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tranh đấu… ở đâu mà sinh ra; lịch sử nó thế nào, hiện tượng nó thế nào và kết quả nó sẽ ra thế nào". Cũng trong tác phẩm này, Người khẳng định "phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin" (tức chủ nghĩa Mác và Lênin). Ngoài ra, Người từng nói "tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác". Những điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác từ rất sớm và đã truyền bá vào Việt Nam từ những năm hai mươi của thế kỷ XX.

Vấn đề cần nhận thức có chất lượng khoa học và cách mạng là, Hồ Chí Minh trung thành với tư tưởng Các Mác nhưng không trung thành theo kiểu "học thuộc lòng từng câu từng chữ" mà nắm vững những nguyên lý cơ bản thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận. Giữa thế kỷ XIX, lịch sử nhân loại cần một con người như Các Mác để giải quyết những vấn đề của cách mạng, trước hết là ở Châu Âu, khi chủ nghĩa tư bản đang ở giai đoạn phát triển, và Các Mác đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.

Tư tưởng vĩ đại của C. Mác với Cách mạng Việt Nam

Khi chủ nghĩa đế quốc "làm mưa làm gió", bản đồ thế giới xuất hiện mảng lớn các dân tộc thuộc địa bị áp bức, nô dịch dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã xuất hiện đúng lúc và đáp ứng được yêu cầu của lịch sử là tổ chức, huy động những người cùng khổ trên thế giới, trước hết là ở Việt Nam, vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng, giành độc lập tự do. Dưới ánh sáng tư tưởng của Các Mác, cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Mác về vai trò của quần chúng nhân dân là những người làm nên lịch sử đã được Hồ Chí Minh quán triệt sâu sắc và giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thuộc địa. Người đã khẳng định trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa: "Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em".

Quần chúng trong cách tiếp cận của Các Mác (đúng với cách giải quyết mâu thuẫn giai cấp ở phương Tây lúc bấy giờ) chủ yếu là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Còn thực tiễn Việt Nam là một nước thuộc địa, toàn thể dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức. Vì vậy, lực lượng cách mạng là tất cả những ai bị áp bức và ai bị áp bức càng nặng thì lòng cách mạng càng bền, chí cách mạng càng quyết. Lực lượng đó chỉ có thể là công — nông, họ là chủ, là gốc cách mạng.

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, nhất là qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra một trong những bài học kinh nghiệm lớn, đó là: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; dân là gốc. Chính những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong tư tưởng của Mác, giai cấp vô sản đóng một vai trò hết sức to lớn. Theo Các Mác, chỉ có giai cấp vô sản mới có thể lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Khi truyền bá chủ nghĩa Mác — Lênin vào Việt Nam, với sự kiện lần đầu tiên công nhân thuộc địa Đông Dương bãi công — Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là dấu hiệu của thời đại. Đồng thời, trong khi nhắc nhở các dân tộc thuộc địa "Hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!", Người khẳng định: Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em.

Trong khi khẳng định giai cấp vô sản với tư cách là sản phẩm của nền đại công nghiệp nên nó là giai cấp thực sự cách mạng, Các Mác đồng thời chỉ ra rằng, điều kiện cho sự lãnh đạo của giai cấp công nhân là phải thành lập Đảng Cộng sản với tư cách là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp. Trong quá trình truyền bá tư tưởng Các Mác vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định cách mạng trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng phải vững, bền gan, hy sinh, thống nhất, cách mạng mới thành công.

Trong điều kiện lịch sử của Châu Âu giữa thế kỷ XIX, Các Mác khẳng định Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp vô sản, đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, nơi giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ nhỏ, Hồ Chí Minh khẳng định "Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". Luận điểm "đảng của giai cấp, mà cũng là đảng của toàn dân" trong di sản Hồ Chí Minh đã được Đảng ta khẳng định trong sự nghiệp đổi mới là một minh chứng hùng hồn cho thấy Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Mác vào thực tiễn Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng khẳng định "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc". Đây là quan điểm có tính chiến lược, tính cương lĩnh trong suốt chặng đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và cũng phù hợp với xu thế chính trị của quốc tế. Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định vấn đề bản chất giai cấp của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng của Mác, gắn với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới một cách sáng tạo, đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Sự nghiệp cách mạng của nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Những thắng lợi và thành tựu, những thất bại và tổn thất của cách mạng đều gắn liền với trách nhiệm, năng lực trí tuệ, phương thức lãnh đạo, bản lĩnh, đạo đức của Đảng. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác — Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Thảo luận