Chiều 7.5, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét hỏi các bị cáo trong phiên xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm với những sai phạm tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ký HĐ 33 để tạo công ăn việc làm
Theo đó, HĐXX, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội và các luật sư đã tập trung làm rõ những sai phạm, thiếu sót trong Hợp đồng EPC số 33 (HĐ 33). Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng — nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỉ đồng.
Làm rõ những sai phạm xoay quanh HĐ 33, bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) thừa nhận biết việc hợp đồng 33 chưa đầy đủ, trước khi ký cũng đã xin ý kiến Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Bởi theo bị cáo, PVC đang gặp khó khăn về tài chính, việc ký hợp đồng là để trả nợ ngân hàng cũng như sử dụng vào mục đích khác.
Cụ thể, theo bị cáo Thuận, HĐ 33 không đủ căn cứ pháp lý khi không có điều 14, không có phụ lục, thiếu hồ sơ đề xuất, thiết kế kỹ thuật nhưng bị cáo vẫn ký là sai. Tuy nhiên, bị cáo Thuận cho rằng khi ký HĐ 33 đã tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên, tạo điều kiện cho toàn công ty và người lao động có việc làm trong nhiều năm. Với tư cách TGĐ, khi ký HĐ 33, bị cáo có lấy ý kiến và được sự đồng ý của các thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, bị cáo Thuận khai mình chỉ là người làm thuê, không được hưởng lợi, không có sự bàn bạc, ăn chia, không chỉ đạo ai lập hồ sơ khống, vì vậy bị cáo Thuận mong HĐXX "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" bởi bị cáo đã nộp hơn 370 triệu đồng khắc phục tội "Tham ô" và tiếp tục cùng gia đình khắc phục hậu quả trong tội "Cố ý làm trái".
Cùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) khai hoàn toàn nhận thức được HĐ 33 là không đúng quy định của pháp luật nhưng có thể được bổ sung, sửa đổi kịp thời để đẩy nhanh tiến độ dự án, và bị cáo biết HĐ 33 thiếu các điều khoản về thanh toán nhưng bị cáo không nắm được nội dung về chỉ định thầu.
Thuộc cấp đã cảnh báo
Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 — thuộc PVN) nhấn mạnh: Hành vi phạm tội của bị cáo có mức độ. Trong quá xảy ra sai phạm, bị cáo đã có những văn bản báo cáo HĐ 33 có vấn đề, không đủ điều kiện tạm ứng và trái quy định của pháp luật. Khi phát hiện, bị cáo đã đề nghị hủy HĐ 33 và cảnh báo trước hậu quả. Tuy nhiên, bị cáo vẫn bị ép thực hiện việc chuyển tiền; bản thân bị cáo không đề đạt chủ trương tạm ứng; việc này do lãnh đạo đề ra và yêu cầu bị cáo chuyển tiền cho tổng thầu PVC. Sau khi hậu quả xảy ra, bị cáo đã tích cực thu hồi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm mức bồi thường.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định: với tội "Cố ý làm trái", bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau nên phải liên đới bồi thường 60 tỉ đồng (mỗi bị cáo 30 tỉ đồng).
Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận cùng chịu trách nhiệm bồi thường 30 tỉ đồng (mỗi người là 7,5 tỉ đồng). Các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tiến cùng bồi thường 18 tỉ đồng (mỗi người 6 tỉ đồng). Các bị cáo khác bồi thường số tiền còn lại. Đối với hành vi "Tham ô", 10 bị cáo phải bồi thường 13 tỉ đồng cho Ban quản lý dự án Vũng Áng — Quảng Trạch.
Phiên xử sẽ được tiếp tục vào ngày mai (8.5).
Theo: Một Thế Giới