Đánh giá hai chiều cán bộ
Theo ông Trung, hiện nay, hầu như không có ngành nào, địa phương nào là không có một bộ phận cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân.
Đặc biệt tệ tham nhũng, lãng phí của không ít cán bộ đã trở thành vấn đề gây bức xúc nhất trong xã hội. Do đó, việc trình Trung ương Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, để lựa chọn cán bộ cấp chiến lược đúng và trúng, ông Trung cho rằng cần sửa đổi các quy định về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược. Bởi cán bộ cấp chiến lược phải là những người kinh qua một số chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
Vì thế, muốn đánh giá cán bộ đó đầy đủ, chính xác thì phải đánh giá cả một quá trình, chứ chỉ đánh giá một giai đoạn nhất định thì chưa hẳn đã đúng. Bên cạnh đó, đánh giá cán bộ cũng phải đa chiều, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
"Ai làm tốt thì mới đưa vào quy hoạch và đưa lên. Chứ vì tiêu cực, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân để rồi đưa những người yếu kém lên thì chỉ làm hại đất nước", ông Trung cho hay.
"Có lên, có xuống, có vào, có ra"
Thực tế lâu nay, trừ một số cán bộ bị thi hành kỷ luật cách chức hoặc phải xử lý hình sự còn phổ biến là "lên không xuống, vào không ra". Điều này vừa thiếu bình đẳng, vừa làm giảm sự phấn đấu của cán bộ, tạo sức ỳ, cản trở việc bố trí kịp thời cán bộ có đức, có tài cho đất nước.
"Các khóa trước và gần đây, có một số trường hợp bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có thể có nguyên nhân từ việc đánh giá cán bộ không chính xác hoặc chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm hoặc do cơ chế xin cho gây ra", ông Trung nói.
Vì thế, theo ông Trung, Đảng cần xây dựng mới hoặc bổ sung quy định về việc cho thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ để cơ chế "có lên, có xuống, có vào, có ra" được tổ chức thực hiện trong thực tế.
"Lâu nay cơ chế, quy định trên khó thực hiện hiện do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vì chưa đánh giá được cán bộ một cách thường xuyên, khách quan và công khai rộng rãi. Công tác cán bộ sẽ có sự đổi mới thực chất nếu cơ chế, quy định trên được tổ chức chực hiện có hiệu quả trong cuộc sống", ông Trung nhấn mạnh.
Nguồn: Tiền Phong