Khai trừ Đảng đối với ông Đinh La Thăng

Ban chấp hành Trung ương quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Sputnik

Ngày 9/5, Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 24 (ngày 23/4) vừa qua, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật mức cao nhất đối với ông Đinh La Thăng.

Xử phúc thẩm Đinh La Thăng: Bất ngờ triệu tập nhân chứng mới
Ở Hội nghị lần thứ 5 (ngày 7/5/2017), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bỏ phiếu tỷ lệ trên 90% kỷ luật ông Thăng với hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị sau đó quyết định cho ông Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), phân công làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Thăng mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ngày 8/12/2017, ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt đảng, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt lệnh khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Thăng được xác định liên quan đến 2 vụ án: Một là "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank)".

Hai là "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II".

Đại án Đinh La Thăng: Vũ Đức Thuận đã khai gì về tham ô tài sản?

Chưa đến 20 ngày sau (25 và 27/12/2017), VKSND Tối cao lần lượt có 2 bản cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong 2 vụ án xảy ra tại PVN.

Tiếp đó, tháng 1/2018, ông Đinh La Thăng đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy tại PVC và Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Sau đó, ông đã kháng cáo, cho rằng án sơ thẩm quá nghiêm khắc, HĐXX chưa đánh giá phù hợp vai trò, trách nhiệm của bản thân trong vụ án.

Cuối tháng 3/2018, ông Thăng bị tuyên phạt 18 năm tù trong vụ án PVN góp vốn vào Ocean Bank gây thiệt hại 800 tỷ đồng. Sau đó, ông Thăng cũng kháng cáo.

Hiện, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra PVC và Dự án Nhiệt điện Thái Bình II đang diễn ra.

Nguồn: Zing

Thảo luận